Khởi nghiệp nuôi cá đặc sản tại huyện biên giới cho thu nhập cao

Mô hình khởi nghiệp nuôi cá lăng, cá chạch ao của anh Nguyễn Hoàng Anh Quốc ở xã Lộc Hiệp, huyện biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.  

Chú thích ảnh
Cá heo nước ngọt mang giá trị kinh tế cao. 

Năm 2017, mặc dù đang có công việc với nguồn thu nhập ổn định, nhưng anh Quốc vẫn quyết định bỏ phố thị về quê đào ao nuôi cá theo đuổi đam mê từ thời còn trên ghế nhà trường. Với số vốn trong tay hơn 150 triệu đồng, anh Quốc nhờ gia đình vay vốn thêm ngân hàng 500 triệu đồng để hiện thực hóa ước mơ nuôi cá. Anh đã đầu tư đào 3 ao cá với tổng diện tích 3.000 m2.

Anh Nguyễn Hoàng Anh Quốc cho biết, khi mới bắt đầu anh không có chút am hiểu về nuôi cá mà áp dụng theo lý thuyết hướng dẫn. Lứa đầu tiên cá thất thoát do gần sông, suối nên bán thu về hòa vốn. Tuy nhiên, thời gian đầu đã cho anh nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Trong năm tiếp theo, anh Quốc mạnh dạn đầu tư hơn 150 triệu đồng mua 20.000 con cá chạch và 5.000 con cá lăng giống. Sau gần 1 năm chăm sóc, anh thu về hơn 9 tấn cá; trong đó, 6 tấn cá chạch và hơn 3 tấn cá lăng. Sau khi trừ các khoản chi phí mang lại lợi nhuận cho gia đình hơn 300 triệu đồng. Trên đà phát triển ổn định, các năm tiếp theo mô hình nuôi cá này mang lại nguồn thu cho gia đình với lợi nhuận 400-500 triệu đồng/năm .

Theo anh Nguyễn Hoàng Anh Quốc, công cũng như thời gian chăm sóc cá lăng, chạch giống như cá thông thường. Tuy nhiên, giá trị của 2 loại cá này là khá lớn. Hiện tại, sản phẩm bán ra thị trường rất nhanh và nhiều mối tiêu thụ.

Ngoài ra, để giảm chi phí đầu tư và đảm bảo sự sinh trưởng của cá được khỏe mạnh, 3 năm qua anh Quốc mua giống cá chạch sau khi nở được 6-7 ngày về tự chăm sóc. Vì vậy, ngoài việc chủ động được nguồn giống tốt, anh còn bán ngược lại ra thị trường ở khu vực Đông Nam bộ hàng trăm ngàn con cá chạch giống/năm với giá 5.000-6.000 đồng/con.

Đặc biệt, đầu năm 2023, anh Quốc tiếp tục đầu tư 200 triệu đồng mua 60.000 con cá heo nước ngọt nuôi chung với ao cá chạch và hứa hẹn mang lại nhiều triển vọng. Sau vài tháng chăm sóc, cá heo nước ngọt sinh trưởng và phát triển rất tốt trong môi trường ao động, thoáng khí bởi hệ thống tạo ôxy thường xuyên được vận hành. Với số lượng cá trong ao, dự kiến đến tháng 10 năm nay anh Quốc sẽ thu khoảng 1,2 tấn, mang lại nguồn thu lớn cho gia đình.

“Cá heo năm nay mới nuôi, nhưng hứa hẹn sẽ thu lợi nhuận tốt. Vốn đầu tư ban đầu nhiều, nhưng thực tế thu lại rất cao ước tính khoảng 500 triệu đồng/tấn”, anh Nguyễn Hoàng Anh Quốc phấn khởi.

Trong thời gian tới, anh Quốc dự định tiếp tục mở rộng, đưa cá lăng nha nuôi nhốt lồng dưới hồ nước nhằm giúp cá phát triển tốt hơn. Đồng thời mở rộng diện tích ao phát triển thêm.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi cá lăng, cá chạch trao ao của anh Nguyễn Hoàng Anh Quốc ở xã Lộc Hiệp (huyện biên giới Lộc Ninh). 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hiệp Nguyễn Văn Hà cho biết, qua theo dõi, nắm bắt, Hội nhận thấy mô mình nuôi cá của anh Quốc đang mang lại hiệu quả. Hiện tại thị trường đang cần nhiều những dòng cá này. Thời gian tới, Hội tiếp tục theo dõi, nhân rộng mô hình này cho người dân có nhu cầu, đồng thời tiếp cận mô hình nuôi cá của anh Quốc để học hỏi kinh nghiệm phát triển tốt nhất.

Mô hình nuôi cá lăng, chạch, cá heo nước ngọt ở vùng biên mới mẻ của anh Nguyễn Hoàng Anh Quốc đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nuôi cá heo nước ngọt là một trong những đặc sản có giá trị kinh tế cao, đây cũng là mô hình mới góp phần đa dạng phong phú loại hình nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: K GỬIH (TTXVN)
Khi người khuyết tật khởi nghiệp
Khi người khuyết tật khởi nghiệp

Khởi nghiệp đối với người bình thường đã khó, với người khuyết tật còn khó gấp nhiều lần. Thế nhưng bằng ý chí và nghị lực, vẫn có nhiều người khuyết tật đã vượt qua khó khăn, rào cản để viết tiếp ước mơ cho chính mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN