Khởi nghiệp thành công nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

Sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, ngay từ nhỏ Dương Văn Khoa quê xã Cẩm Ngọc (huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) đã nuôi ý chí thoát nghèo ở ngay trên mảnh đất miền Tây xứ Thanh.

Với vốn kinh nghiệm và kiến thức học hỏi được sau một thời gian học tập và làm việc tại Israel, Dương Văn Khoa trở về quê hương, mạnh dạn xây dựng nông trại nông nghiệp công nghệ cao rộng gần 1 ha trồng các loại cây như dưa kim hoàng hậu, dâu tây… đem lại giá trị kinh tế cao. 

Chú thích ảnh
Anh Dương Văn Khoa tiếp tục thành công khi mạo hiểm đưa dâu tây về trồng ở đất xứ Thanh. Ảnh: dantri.com.vn

Sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Khoa thi đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Sau hai năm theo học, Khoa chuyển sang Học viện Quản lý giáo dục, theo học ngành công nghệ thông tin. Ra trường năm 2013, chàng trai trẻ được nhận vào làm cho một công ty tư nhân với mức lương tương đối ổn định. Tuy nhiên, ấp ủ dự định khởi nghiệp từ việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, năm 2015, Khoa quyết định sang Israel vừa du học vừa làm thêm để tìm hiểu về ngành nông nghiệp áp dụng công nghệ cao từ đất nước này.

Anh Khoa chia sẻ, thời gian học tập tại Israel, anh được đi nhiều vùng miền và đặc biệt ấn tượng với các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhất là những cánh đồng dưa vàng bạt ngàn được trồng trên địa hình, điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Ngoài ra, lúc rảnh rỗi, anh tự nghiên cứu, học thêm kiến thức, kỹ thuật trồng rau, làm nông nghiệp công nghệ cao trên mạng internet, sách, báo…; từ đó tích lũy được kinh nghiệm chăm sóc những loại cây trồng "khó tính" để về áp dụng tại địa phương...

Năm 2016, sau khi về nước, Khoa quyết định từ bỏ công việc của một kỹ sư công nghệ thông tin, về Thanh Hóa lập nghiệp. Nhận thấy quỹ đất tại địa phương rất rộng nhưng người dân quê chỉ trồng những loại cây hiệu quả kinh tế không cao hoặc bỏ hoang, anh quyết định đầu tư hơn 400 triệu đồng, san bằng khu đồi sau nhà và chọn dưa Kim Hoàng hậu là sản phẩm đầu tay cho hành trình khởi nghiệp.  

Mặc dù đã tích luỹ vốn kinh nghiệp khá dày về đầu tư nông nghiệp công nghệ cao nhưng khi bắt tay vào công việc lại gặp mưa lớn kéo dài nên dưa bị thối, nấm, sâu bệnh… Để tìm hướng khắc phục, chàng trai trẻ đã không quản ngại đến những vùng trồng dưa Kim Hoàng hậu có tiếng của cả nước để tìm hiểu quy trình kỹ thuật trồng và những đặc tính phát triển của loại nông sản khó tính này.

Anh Khoa cho biết, sau khi đi tham quan, học tập mô hình, anh nhận thấy khí hậu ở Thanh Hóa rất khắc nghiệt, trong khi dưa là một loại cây trồng rất "khó tính", muốn có năng suất, chất lượng phải đầu tư nhà màng và mua công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Mặc tiêu tốn khá nhiều vốn nhưng được sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình và bạn bè, sau hơn 3 tháng thi công, mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng với công nghệ tưới hiện đại đã hoàn thành.

Để tránh rủi ro, vụ đầu tiên Khoa chỉ dùng 1 nhà màng để trồng hơn 2.000 cây dưa lưới; diện tích còn lại trồng cà chua. Sau 3 tháng chăm sóc, cả 2 loại cây đều phát triển tốt và cho năng suất cao. Tính riêng vụ đầu tiên anh đã thu được khoảng 1 tấn dưa vàng, lợi nhuận thu được 50 triệu đồng (đã trừ chi phí). Nhờ nắm vững kiến thức và phương pháp kỹ thuật trong sản xuất, vụ tiếp theo, Khoa chuyển toàn bộ diện tích nhà màng để "độc canh" dưa vàng. Theo tính toán, mỗi năm gia đình trồng và thu hoạch được 3 vụ, với tổng sản lượng từ 10 đến 12 tấn; trừ mọi chi phí mỗi năm, anh Khoa thu về khoảng 300 triệu đồng tiền lãi.

Không dừng lại ở cây dưa, đầu năm 2019, những cây dâu tây đầu tiên của vùng đất Đà Lạt đã được Khoa đưa về trồng trên khu vườn đồi xã Cẩm Ngọc với khoảng 500m2 trong nhà lưới để vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm. Sau khi nắm được những đặc tính phát triển của cây dâu, anh bắt đầu mở rộng dần diện tích trồng. Đến nay, trang trại của Khoa có khoảng 5.000m2 trồng dâu tây với khoảng 10.000 gốc; trong đó hơn 4.000m2 trồng ngoài trời.

Với tư duy năng động, nhanh chóng tìm hiểu nhu cầu của thị trường nên ngoài bán cho khách tham quan tại vườn, Khoa còn bán hàng online qua facebook, zalo cá nhân. Đồng thời, sản phẩm cũng được mang đi giới thiệu tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm.

Đánh giá về mô hình nông nghiệp công nghệ cao của anh Dương Văn Khoa, ông Bùi Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Ngọc nhận định, nông trại dù mới vận hành, hoạt động nhưng đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Không những cho thu nhập cao, nông trại của Khoa còn tạo việc làm quanh năm cho nhiều lao động địa phương. Xã đang tổ chức cho thanh niên trên địa bàn tham quan học tập, chuyển giao kinh nghiệm để khi tìm được đầu ra ổn định sẽ khuyến khích bà con làm theo...

Khiếu Tư (TTXVN)
Đắk Lắk tháo gỡ khó khăn cho thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp
Đắk Lắk tháo gỡ khó khăn cho thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp

Ngày 29/3, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức chương trình đối thoại với thanh niên năm 2022 với chủ đề “Thanh niên tỉnh Đắk Lắk khởi nghiệp, lập nghiệp”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN