Khốn đốn vì thất thu lúa Mùa

Mặc dù lúa vụ Mùa đang thu hoạch, thế nhưng cảm giác của người nông dân trồng lúa ở tỉnh Ninh Thuận chẳng lấy gì làm vui vẻ vì thất thu quá lớn do mưa lũ.

 Lúa thu hoạch chỉ khoảng 3 tạ/sào, có nơi chỉ 1 đến 1,5 tạ/sào; lúa tươi giá chỉ 4.000 đồng/kg, bán lúa không đủ chi cho đầu tư… Vì lẽ đó, nhiều hộ nông dân đã rơi vào cảnh khốn khó trước thềm năm mới.

Người dân ở huyện Thuận Nam bơm, tháo nước trong ruộng ra để kịp thời gieo sạ vụ Đông Xuân.

Tại huyện trọng điểm về phát triển nông nghiệp như Ninh Phước, lúa vụ Mùa 2016-2017 thật sự đáng buồn đối với người nông dân. Qua hơn 3 tháng bỏ công chăm sóc, đầu tư đáng kể nhưng kết quả thu được lại không như mong đợi. Một sào lúa chỉ thu hoạch được khoảng từ 3 đến 4 tạ. Đây là con số quá thấp so với 6,5 đến 7 tạ/sào của lúa vụ mùa 2015-2016. Lúa mất năng suất, giá lại thấp, bán không đủ chi trả cho đầu tư nên không ít hộ dân phải lâm vào cảnh nợ nần.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước cho biết, gia đình chị làm 2 sào lúa ở cánh đồng Bảy Nhi, giáp ranh hai xã Phước Thuận và Phước Hậu, huyện Ninh Phước. Đây là vùng đất chủ động nước, chuyên trồng lúa. Từ trước tới giờ chưa khi nào người nông dân làm lúa nơi đây thất thu vụ nào. Nay vụ Mùa này thất thu quá nhiều. Chị Nguyệt tính toán, tổng cộng 2 sào lúa đầu tư cũng mất khoảng 7 triệu đồng, nhưng khi thu hoạch bán hết cũng chỉ bằng 1/3 số tiền đã đầu tư. Vì thế, gia đình cũng gặp rất nhiều khó khăn để đầu tư cho vụ Đông-Xuân đến.

Người nông dân trồng lúa ở vùng ven đô thành phố Phan Rang-Tháp Chàm cho rằng, lúa thu hoạch được hơn 3 tạ/sào là điều đáng buồn đối với người trồng lúa vùng ven đô. Lúa đã mất mùa lại còn mất giá thì không thể tin nổi. Bất lợi của thời tiết cũng gây không ít khó khăn cho việc phơi lúa, do đó người dân không còn cách nào khác là buộc phải bán lúa ướt cho các thương lái với giá chỉ có 4.000 đồng/kg, trong khi lúa khô có giá 5.300 đồng/kg.

Tại huyện Thuận Bắc, người dân trồng lúa nơi đây phải “khóc dở mếu dở” vì lúa thu hoạch chỉ có 1 đến 1,5 tạ/sào. Để chi trả cho đầu tư, người dân phải bán cả gia súc của gia đình để có tiền trang trải.

Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tỉnh Ninh Thuận cho biết, vừa qua do thời tiết thay đổi, lúa bắt đầu trổ thì gặp mưa lũ kéo dài nên đã gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây lúa. Hơn nữa một số diện tích bị sâu bệnh gây hại nên vụ Mùa thất thu là không tránh khỏi. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục đang phối hợp với chính quyền địa phương thống kê mức độ thiệt hại do hậu quả mưa lũ để kịp thời hỗ trợ cho người dân theo 49/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Vụ Mùa 2016-2017 tỉnh Ninh Thuận gieo cấy được hơn 14.000 ha. Xác định vụ Đông-Xuân là vụ sản xuất chính trong năm, do đó Ngành Nông nghiệp khuyến cáo các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân ít nhiều cũng cần thu hoạch cho xong vụ Mùa để khẩn trương làm đất, chuẩn bị gieo cấy vụ Đông-Xuân.

Bài và ảnh: Công Thử (TTXVN)
Lúa mùa Ninh Thuận bị sâu bệnh tấn công
Lúa mùa Ninh Thuận bị sâu bệnh tấn công

Vụ mùa này, người trồng lúa ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn do sâu bệnh bùng phát và tấn công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN