Trên đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện tại Hội nghị tổng kết hoạt động tín dụng chính sách năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra chiều 18/1.
Để có đủ nguồn vốn cho vay, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đạt các mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBDN thành phố Cần Thơ cho biết, đầu năm 2023, UBND thành phố đã chuyển 60 tỷ đồng vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách thành phố; giao Sở Tài chính xem xét tham mưu UBND thành phố cân đối ngân sách, tiếp tục chuyển vốn ngân sách sang Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay trong 6 tháng cuối năm 2023 (ưu tiên cho vay giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường).
Bốn đơn vị gồm các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Bình Thủy đã chuyển vốn ủy thác (1 tỷ đồng/đơn vị) qua Ngân hàng Chính sách xã hội (hoàn thành 100% chỉ tiêu), Phong Điền chuyển 500 triệu đồng vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (hoàn thành 50% chỉ tiêu).
Liên quan đến nguồn vốn, Phó Chủ tịch UBDN thành phố Cần Thơ đề nghị Trưởng Ban đại diện quận, huyện gồm Thốt Nốt, Ô Môn, Cái Răng, Ninh Kiều tích cực tham mưu UBND quận, huyện dành một phần vốn ngân sách địa phương chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn (mỗi đơn vị chuyển tối thiểu 1 tỷ đồng trong năm 2023); riêng Phong Điền cố gắng hoàn thành chỉ tiêu vốn ủy thác trong 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể nhận ủy thác phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chuyên môn thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, kết hợp đào tạo nghề, xây dựng các mô hình, dự án làm ăn hiệu quả, từ đó mới phát huy hiệu quả khi hộ được tiếp cận với tín dụng chính sách.
Năm 2022, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ đã triển khai thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao: nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tăng 113,7 tỷ đồng so với năm 2021; huy động vốn tăng 22,1 tỷ đồng so với năm 2021, hoàn thành 100% chỉ tiêu giao năm 2022; giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt là chương trình cho vay Người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tổng doanh số cho vay năm 2022 đạt 1.144,6 tỷ đồng, tăng 362,7 tỷ đồng so với năm 2021, với 29.048 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn…
Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Cần Thơ Lăng Chánh Huệ Thảo, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hàng nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn sản xuất kinh doanh; giải quyết việc làm cho trên 23.000 lao động đã giúp cho nhiều gia đình xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh, xây dựng và mua nhà ở xã hội, cho vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất... Qua đó góp phần tích cực trong giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại như tiến độ triển khai một số chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP còn chậm so với kế hoạch nhất là chương trình cho vay nhà ở xã hội; nợ khoanh và nợ lãi tồn đọng tăng; Đề án đầu tư tín dụng chính sách giai đoạn 2022 - 2025 chưa được UBND thành phố phê duyệt…