Bộ Công Thương cho biết, thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Mão khá ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá cả không biến động nhiều.
Chú trọng kiểm tra các mặt hàng thiết yếu
Nhận định của các chuyên gia ngành công thương, thị trường Tết Tân Mão năm 2011 sôi động hơn một vài năm trở lại đây do sự phục hồi của nền kinh tế, sức mua trên thị trường tăng khoảng 20 - 25% so với năm 2010. Ngoài ra, Tết Tân Mão có kỳ nghỉ dài nên nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng, nhu cầu vui chơi giải trí, du lịch đều tăng cao hơn so với năm 2010.
Quầy thực phẩm tươi sống thu hút nhiều bà nội trợ tìm mua những ngày đầu năm (ảnh chụp tại siêu thị BigC sáng mùng 5 Tết). Ảnh: Lê Nghĩa |
Tại các địa phương, nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã cơ bản được chuẩn bị đủ để đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Các chương trình phục vụ Tết đã được các địa phương lên kế hoạch khá chu đáo từ trước để phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân.
Đáng chú ý là nhiều địa phương đã thực hiện việc bán hàng bình ổn và tổ chức bán hàng phục vụ Tết, đặc biệt đối với các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Việc dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường tại các địa phương đã đem lại hiệu ứng tích cực cho thị trường, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành khác.
Đặc biệt, trong thời gian này lực lượng quản lý thị trường ở các địa phương trong cả nước cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu qua biên giới và lưu thông trên thị trường, ngăn chặn và xử lý các trường hợp sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép.
Do đó, việc buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu đã giảm, riêng các loại pháo không còn bày bán và sử dụng công khai; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được chú trọng, hàng hóa phong phú, đảm bảo chất lượng.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của bộ, các chi cục quản lý thị trường địa phương đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn, phân công trực tại chỗ những ngày nghỉ Tết, bố trí nhân lực ứng trực đến 22 giờ, 23 giờ đêm 30 Tết để đề phòng các biến động không có lợi của thị trường.
Trong đó, công tác trọng tâm là giám sát hoạt động của các cửa hàng xăng dầu; kiểm tra, nhắc nhở các cửa hàng, điểm bán ở các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; chú ý việc giám sát các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết như rượu bia, bánh, mứt, kẹo...
Giá bán siêu thị bình ổn hơn thị trường tự do
Ngày 5/2 (tức mùng 3 Tết), nhiều cửa hàng và siêu thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đồng loạt khai trương phục vụ người dân sau kỳ nghỉ Tết Tân Mão. Nhân dịp khai trương đầu năm mới, toàn bộ hệ thống siêu thị Big C thực hiện các chương trình khuyến mãi kéo dài từ ngày 6 đến 13/2, áp dụng cho hơn 1.100 mặt hàng với mức giảm giá từ 5 - 40% và kèm theo nhiều quà tặng, trong đó có hơn 300 mặt hàng rau củ quả, thịt, thủy hải sản tươi sống, thực phẩm chế biến... với mức giảm từ 5 – 25%.
Ngoài ra, các hệ thống siêu thị như siêu thị Citimart sẽ khai trương vào mùng 4 Tết (6/2), siêu thị Maximark mùng 8 Tết (10/2)... cùng với việc mở cửa bán hàng vào đầu năm mới, các siêu thị này sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi nhằm giảm bớt tình trạng tăng giá sau Tết của những chợ lẻ trong thành phố.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Co.op cho biết: Đây là năm đầu tiên hệ thống siêu thị Co.op Mart mở cửa vào mùng 2 và mùng 3 Tết (từ 7 giờ 30 sáng đến 11 giờ trưa), để người tiêu dùng có điều kiện mua gà nguyên con cúng mùng 3 Tết với giá bình ổn, thịt gà ta 90.000 đồng/kg, thịt gà thả vườn 50.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp .000 đồng/kg.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị cho biết, cho đến mùng 4 Tết, nhiều siêu thị tại Hà Nội như Intimex, Hapromart, Fivimart... đã mở cửa phục vụ khách hàng. Được tham gia chương trình bình ổn giá nên các siêu thị có điều kiện chuẩn bị nguồn hàng phong phú và giữ được giá cả ổn định cả trong và sau Tết.
Trong khi giá cả ở siêu thị khá ổn định thì giá tại thị trường tự do vẫn “nhảy múa”. Ngày mùng 4 Tết, tại các chợ Hà Nội giá gà ta nguyên con dao động từ 130.000 - 150.000 đồng/kg, giá thịt lợn từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, thịt bò 170.000 - 200.000 đồng/kg...
Giá các loại thịt tăng từ 20.000 đồng/kg. Giá các loại rau tăng khoảng 2.000 đồng/bó. Giá các loại hoa quả cũng cao hơn ngày thường từ 20 - 30% do nhu cầu phục vụ tiêu dùng và đi lễ đầu năm. So với Tết năm ngoái, mức tăng giá trên không quá lớn.
Theo các chuyên gia thị trường, với các giải pháp bình ổn thị trường Tết của các ngành chức năng và nguồn cung hàng hóa được tăng cường giá cả hàng hóa sẽ giảm dần trong những ngày tới.
TTN - Thu Hường