Người trồng mai An Nhơn đang hồi hộp chờ thời tiết lạnh qua đi và thị trường tiêu thụ mai vàng lại "ấm" lên như mọi năm.
Những năm trước, vào dịp trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tháng, những làng nghề trồng mai vàng ở An Nhơn đã nhộn nhịp cảnh mua bán, xe tải khắp nơi tấp nập chở mai vào Nam ra Bắc. Ấy vậy mà chỉ còn hơn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán, nhưng những làng mai vẫn vắng bóng người, xe.
Vườn mai nhà ông Giang Phong Hào thuộc làng nghề truyền thống mai vàng Trung Định, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) cũng im ắng hơn mọi năm. Ông Hào chia sẻ, mọi năm vào thời gian này đã bán vài trăm cây chuyển vào Nam. Năm nay không bán được, lượng khách giảm đáng kể. Thành phố Hồ Chí Minh đang chống dịch COVID-19 nên vẫn chưa nhập mai về mua bán như những năm trước.
Khoảng 3.000 cây mai vàng của ông Hào cũng như nhiều nhà vườn khác đang trông chờ thị trường phía Bắc nhiều hơn. Tuy nhiên, năm nay thời tiết lạnh kéo dài nên người trồng hoa mai cũng thấp thỏm chuyện hoa nở đúng dịp. Mai vàng là loại cây thân gỗ lâu năm, nhưng cũng rất mẫn cảm với thời tiết. Thời tiết có biến đổi thì cây mai cũng sẽ có những thay đổi mà người trồng khó đoán định để cho hoa nở đúng ngày Tết.
Năm Canh Tý 2020 là năm nhuận, thời gian trong năm cũng kéo dài hơn. Do vậy, nụ, búp của hoa mai cũng già hơn, nếu người chăm không phán đoán chính xác thời tiết, lặt lá mai sớm vài ngày thì sau đợt mưa lạnh có nắng gắt thì hoa mai sẽ nở hàng loạt.
Bén duyên với vùng đất võ Bình Định gần 40 năm trước, cây mai xuân từ miền Nam như có "đất dụng võ". An Nhơn với truyền thống là vùng đất kinh đô xưa của cả người ChămPa và người Việt nên đất này hình thành nhiều làng nghề. Người vùng này chăm chỉ, khéo tay, có óc thẩm mỹ. Cây mai xuân về đây cùng với nhiều loại mai bản địa được nâng dần thành hàng loạt giống mai vàng ngày nay. Cây mai của người An Nhơn không chỉ có hoa vàng vào những ngày Tết mà phải có dáng thế theo triết lý phương Đông, có "bộ thế" phải vững chãi, mạnh mẽ, cành nhánh thì "thưa tàng, ngọn chỉ"
Sau nhiều năm lai tạo, mai vàng cũng không chỉ có hoa 5 cánh như nguyên gốc. Mai vàng An Nhơn giờ có rất nhiều chủng loại, có loại lên tới hơn 150 cánh trên mỗi bông hoa.
Cả thị xã An Nhơn có đến 24 làng nghề truyền thống thì đã có 5 làng nghề truyền thống trồng hoa mai vàng đều thuộc xã Nhơn An là Háo Đức, Trung Định, Thuận Thái, Thanh Liêm và Tân Dương. Vậy nên hàng năm cứ vào dịp này, làng mai vàng An Nhơn lại nhộn nhịp người người, nhà nhà nói chuyện về mai, mua bán mai.
Nghề trồng mai vàng hiện là nghề chính của xã Nhơn An với hơn 65% dân số làm nghề. Từ đây, tỉnh Bình Định và thị xã An Nhơn cũng đã mở rộng vùng chuyên canh hoa mai vàng ra các xã Nhơn Hạnh, Nhơn Phong với hơn 3.000 hộ trồng mai. Những năm gần đây, mỗi năm cây mai vàng mang về cho người dân thị xã An Nhơn hàng trăm tỷ đồng.
Trong thời tiết mưa lạnh, anh Nguyễn Ngọc Hải, chủ vườn mai vàng thuộc làng nghề truyền thống trồng mai vàng Trung Định, xã Nhơn An trao đổi với khách hàng qua điện thoại. Anh Hải quay cả những cây mai đã kịp lặt hết lá cho khách xem để chọn và quyết định mua mai. Gần đây, việc mua bán này khá phổ biến bởi mai vàng đắt khách thì nhiều người buôn mai không cần đến vườn, chỉ dùng điện thoại đặt hàng, chuyển tiền qua tài khoản và cứ thế mai lên xe tải ra Bắc vào Nam.
Anh Hải cho biết: "Hầu hết việc mua bán qua điện thoại là khách hàng quen, làm ăn nhiều năm nên họ tin tưởng mình. Riêng khách mới thì vẫn phải tới nhà vườn lựa chọn, khung cảnh nhộn nhịp lắm".
Năm qua, kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19 và thiên tai, dường như cây mai vàng cũng bị ảnh hưởng. Lúc này, người trồng mai An Nhơn đang trông chờ vào thời tiết và việc chi tiêu cho hoa, cây cảnh ngày Tết của người dân khắp mọi miền đất nước.