Gần đây, thị trường vàng lại “dậy sóng” do có lo ngại về tình trạng bị “ép giá” khi bán vàng miếng phi SJC sau khi Nghị định 24/2012/NĐ - CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ có hiệu lực từ ngày 25/5.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định: Quy định tại Nghị định 24 không phân biệt đối xử giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác.
Cần bình tĩnh khi mua - bán
Theo tính toán của các chuyên gia vàng, Nghị định 24 đi vào cuộc sống thì sẽ có khoảng hơn 12.000 cơ sở kinh doanh vàng trong cả nước bị “dẹp tiệm” do không đáp ứng đủ điều kiện của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra. Điều này cũng đồng nghĩa số lượng điểm kinh doanh vàng sẽ bị thu hẹp lại. Trước tình hình trên, nhiều người sở hữu vàng không phải SJC đã lo lắng vội vàng mang bán, còn cơ sở kinh doanh vàng thì tranh thủ ép giá.
Ghi nhận của phóng viên Tin Tức tại các chợ Bến Thành (quận 1), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 3), chợ An Đông (quận 5) ở TP.HCM, lượng người bán vàng phi SJC có tăng. Tuy nhiên, hầu hết các điểm kinh doanh này thu mua lại thấp hơn thị trường gần 200.000 đồng/chỉ. Thậm chí, cửa hàng vàng trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh chỉ mua vàng miếng phi SJC với giá bằng giá vàng 18K. Chị Diệu Thu - nhân viên truyền thông tại quận Bình Thạnh, cho biết: “Vừa rồi, tôi cần tiền nên bán 2 lượng vàng thương hiệu PNJ tại cửa hàng Mi Hồng (Bình Thạnh) - nơi được nhiều người mua bán vàng ưa chuộng vì thu mua giá cao nhất so với các tiệm vàng khác trên thị trường, thế nhưng giá bán chỉ được hơn 41 triệu đồng/lượng, thấp hơn khoảng 2 triệu đồng/lượng so với giá niêm yết theo SJC”.
Vàng miếng được bán tại Công ty Kinh doanh Vàng Bạc Đá quý - Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (AJC). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Theo lý giải của một số tiệm vàng, sắp tới vàng phi SJC sẽ không còn tính thanh khoản trên thị trường, chưa kể nếu mua vàng về nấu làm vàng nguyên liệu chế tác nữ trang để bán cũng gặp khó vì vướng mắc Nghị định 24. Cụ thể, các hộ kinh doanh vàng nhỏ lẻ phải thành lập doanh nghiệp. Chị Thanh Hà - chủ tiệm vàng tại Chợ Bến Thành - lo ngại: “Nếu thành lập doanh nghiệp thì ngoài chi phí về thuế cao, chúng tôi phải thêm nhân công, thêm quản lý con dấu, thêm bao nhiêu thứ khác. Trong khi đó, cửa hàng chúng tôi cả chủ cả người làm chỉ có... 2, 3 người. Vì vậy, việc thu mua lúc này chỉ giải quyết nhu cầu của khách là chính”.
Chia sẻ vấn đề này, đại diện Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín - Minh Châu cho rằng: Khi có tin đồn SJC sẽ là thương hiệu chuẩn của quốc gia, nhiều khách hàng đã đổ xô đi mua vàng SJC và bán vàng miếng Rồng Thăng Long. Trước đó, thị trường nắm giữ khá nhiều lượng vàng miếng Rồng Thăng Long nên khi người dân đem bán thì sự chênh lệch mua vào - bán ra quá lớn khiến doanh nghiệp khi mua lại không thể mua với giá cao. Điều này đã trực tiếp làm người dân chịu thiệt.
Trao đổi với phóng viên Tin Tức, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: Trước khi Nghị định được ban hành thì thương hiệu vàng SJC đã luôn cao hơn những thương hiệu vàng khác. Do vậy, việc người dân mua vàng Rồng Thăng Long ở mức thấp thì bán ra ở mức không cao là điều không tránh khỏi.
Theo các chuyên gia kinh tế khác thì trong Nghị định mới chưa nói rõ SJC sẽ là thương hiệu quốc gia, vì vậy người dân nên bình tĩnh cân nhắc, bởi chất lượng vàng như nhau nên vì “tin đồn” mà vội vàng đem bán những loại vàng mình đang giữ sẽ chịu nhiều thiệt hại.
Không phân biệt vàng phi SJC
Trái ngược với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, tại cửa hàng của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank (SBJ) và hệ thống của Ngân hàng Sacombank, nơi đây vẫn thu mua vàng miếng thương hiệu của mình bằng với giá vàng SJC. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng Giám đốc Công ty PNJ cho biết, từ nay đến khi Nghị định 24 có hiệu lực, Công ty PNJ vẫn thu vàng miếng PNJ - DAB vào đúng với giá niêm yết, đồng thời sẽ hoán đổi sang vàng miếng SJC cho khách hàng nếu họ có nhu cầu.
Liên quan đến việc có thu mua các loại vàng phi SJC để chế tác lại thành vàng SJC không, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lại khẳng định là “không”. Theo ông Dũng, hiện trên thị trường đang lưu thông 5 - 6 thương hiệu vàng khác nhau. Tuy nhiên, trong số đó có một vài thương hiệu không đảm bảo chất lượng và trọng lượng của vàng miếng. Vì thế, nếu thu mua lại “nguyên đai nguyên kiện” để chế tác lại thành vàng SJC, công ty sẽ gặp nhiều thiệt thòi.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng, cho biết: Thực tế, Nghị định 24 chỉ siết chặt quản lý vàng chứ không phân biệt đối xử giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác. Các loại vàng miếng thuộc sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ sẽ được mua bán, trao đổi tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp phép. Vì vậy, trong thời điểm này, người dân không nên lo lắng, vội vàng bán vàng các thương hiệu phi SJC.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, do Nghị định 24 không phân biệt đối xử giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác nên các loại vàng miếng khác thuộc sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ; được mua bán, trao đổi tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sau thời hạn chuyển tiếp do NHNN quy định. Ông Huy cho rằng: Trong thời hạn này, người dân vẫn có thể tiếp tục mua bán vàng miếng tại các địa điểm như trước đây trong khi các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được cấp phép mua bán vàng miếng tiếp tục mở rộng mạng lưới mua bán vàng miếng để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân sau khi kết thúc thời hạn chuyển tiếp.
Còn bà Cao Thị Ngọc Dung nhận định thêm: Nghị định 24 sẽ tạo được nhiều tích cực cho nền kinh tế, chống lại hiện tượng “vàng hóa”, xóa bỏ được việc đầu cơ vàng và theo đó dòng vốn từ tích trữ vàng sẽ được chuyển vào sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, trong Nghị định 24 có đề cập tới việc quy hoạch lại hệ thống các cửa hàng kinh doanh nữ trang, thay vì thả lỏng như lâu nay.
Hải Yên - Minh Phương