Tại cuộc họp, trước việc thành phố Cần Thơ có văn bản yêu cầu tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, xuất nhập khẩu từ các tỉnh, thành khác đến giao nhận hàng hóa đều phải được đăng ký trước và phải trung chuyển hàng hóa, dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu dừng ngay việc này. Các tỉnh đưa thêm các quy định là vi phạm chỉ đạo của Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Cần Thơ cũng như các địa phương khác phát sinh thủ tục tăng chi phí, làm khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho lưu thông hàng hóa là không được. Địa phương nào “đẻ” ra quy định trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thì phải chịu trách nhiệm.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, nhiều doanh nghiệp phản ánh, nhiều xe đủ điều kiện, kể cả xe “luồng xanh”, người ngồi trên xe cũng đủ điều kiện phòng chống dịch nhưng cũng không đi qua được tại Nghệ An, Hà Tĩnh và yêu cầu phải có giấy của Sở Giao thông vận tải. Việc này là thêm giấy phép nữa trong lưu thông hàng hóa.
“Doanh nghiệp cũng phản ánh gặp nhiều khó khăn trong trung chuyển đến các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bao bì cũng phản ánh, xe đã đủ điều kiện phòng chống dịch, đã đăng ký nhưng 2 ngày nay chưa vào được thành phố Cần Thơ", vị đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.
Về phía Bộ Công Thương cũng cho rằng, thành phố Cần Thơ cũng như các tỉnh không cần phải thực hiện trạm trung chuyển. Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh đang ùn tắc tại Cần Thơ mấy ngày nay nên thành phố cần tiếp thu để xử lý ngay, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh tỏ rõ bức xúc khi nhấn mạnh: Cần Thơ và một số tỉnh thành đặt ra quy định phương tiện vận tải kể cả có mã QR Code, tài xế có giấy xét nghiệm âm tính nhưng vẫn không cho vào tỉnh mà yêu cầu trung chuyển hàng hóa. “Chính phủ đã chỉ đạo không kiểm tra xe có mã QR Code mà chỉ kiểm tra nơi đi, nơi đến tập kết hàng hóa để đảm bảo lưu thông hàng hóa, các tỉnh thành cần thống nhất việc này”, ông Lâm đề nghị.
Lý giải về việc này, đại diện UBND thành phố Cần Thơ cho hay, ở trạng thái bình thường, mỗi ngày có khoảng 16.000 xe các loại lưu thông trên địa bàn. Khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg có khoảng 4.000 xe đi vào địa bàn thành phố. Khi UBND thành phố ban hành văn bản có khoảng hơn 2.000 xe đi vào trung tâm thành phố để giao nhận hàng hóa; trong đó có khoảng 800 xe đi ngang trung tâm thành phố.
Theo đại diện UBND thành phố Cần Thơ, nếu để giao nhận hàng hóa trong thành phố thì không thể kiểm soát phòng chống dịch giữa lái xe tỉnh ngoài và trong thành phố. Đăng ký trước chỉ cần thông tin qua điện thoại, Zalo, qua các nhóm của Sở Giao thông vận tải để được điều tiết, hướng dẫn, hỗ trợ.
“Nguyên nhân ùn tắc là do nhiều phương tiện tập trung về điểm trung chuyển của thành phố cùng một lúc. Lượng người đi vào thành phố lại đi cùng với luồng giao nhận hàng hóa nên xảy ra ùn tắc. Thao tác chuyển đổi tài xế chậm nên kéo dài thời gian. Hiện Cần Thơ đã bố trí 12 điểm giao nhận hàng hóa, nếu cần thiết sẽ bố trí thêm để thuận tiện cho doanh nghiệp. Mục tiêu là tạo thuận lợi chứ không phải thêm các thủ tục gây khó khăn”, đại diện UBND thành phố Cần Thơ cho hay.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, thời điểm hiện tại, mã QR Code đã được tự động gia hạn. Lái xe cũng có thể cập nhật giấy xét nghiệm COVID-19 mới khi giấy xét nghiệm cũ hết hiệu lực với mã đã đăng ký thay vì phải xin cấp lại mã QR Code khác. Nỗi lo tắc nghẽn do phải khai lại, xin cấp lại thẻ nhận diện “luồng xanh” đã được giải quyết.
“Về tổ chức giao thông, vừa tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa, vừa đảm bảo phòng dịch, một số địa phương như thành phố Cần Thơ cần học hỏi kinh nghiệm các thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng đang triển khai. Tránh tình trạng triển khai điểm trung chuyển gây gián đoạn chuỗi vận tải hàng hóa, ùn tắc giao thông như một số ngày vừa qua”, ông Khuất Việt Hùng chia sẻ.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ghi nhận sự nỗ lực của các địa phương trong phối hợp với các bộ, ngành, từng bước thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đáp ứng vừa phòng, chống COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị những ngày tới đây, các địa phương phải quán triệt, thống nhất tất cả hàng hóa đều là hàng hóa thiết yếu, kể cả hàng thực phẩm, hàng phục vụ chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu.
Các địa phương cũng phải thống nhất, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải. Tất cả các tuyến đường đều là luồng xanh phục vụ vận chuyển hàng hóa, từ đường bộ đến đường thủy, tạo thuận lợi tối đa cho các phương tiện có thẻ nhận diện luồng xanh hoặc chưa có thẻ “luồng xanh” nhưng đáp ứng đầy đủ giấy tờ, thủ tục theo quy định.
Trước những phản ánh liên quan đến bất cập trong chính sách kiểm soát dịch gây ách tắc hoạt động vận tải một số ngày vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát lại các văn bản địa phương đã ban hành. Văn bản nào trái với chỉ đạo của Chính phủ hoặc không trái nhưng làm phát sinh thêm chi phí, thời gian, “giấy phép con” thì phải dừng áp dụng để tạo điều kiện tốt nhất cho vận chuyển hàng hóa.
Liên quan đến công tác tổ chức giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành hướng dẫn tạm thời đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong bối cảnh dịch bệnh. Các địa phương cần nghiên cứu, thống nhất triển khai. Nếu có phát sinh vướng mắc, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục điều chỉnh đảm bảo cho hoạt động đường bộ thông suốt.
“Tuyệt đối không để ùn tắc giao thông ở bất cứ tuyến đường nào bởi mỗi điểm ùn tắc có thể sẽ là một nơi nguy cơ lây lan dịch bệnh. Căn cứ vào lưu lượng giao thông tuyến đường có thể thiết kế nhiều điểm kiểm tra tại một chốt kiểm dịch, kiểm tra từng loại phương tiện khác nhau. Bất cứ chỗ nào giao thông ùn ứ, giám đốc Sở Giao thông vận tải địa phương phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về việc cấp thẻ nhận diện “luồng xanh”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay, phần mềm cấp thẻ “luồng xanh” đã được nâng cấp thành công. Doanh nghiệp khai báo xong thông tin sẽ được cấp mã QR Code ngay nếu đủ điều kiện. Trên cơ sở đó, các địa phương nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp vận tải. Riêng với việc cấp thẻ “luồng xanh”, trong trường hợp hồ sơ gặp trục trặc, cơ quan chức năng cần nhanh chóng giải quyết cho doanh nghiệp trong vòng 12h nhận hồ sơ thay vì 24h như hiện tại.