Năm nay, TP Hồ Chí Minh đã quyết định không sử dụng vốn ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường mà thực hiện xã hội hóa, thông qua việc tạo điều kiện cho DN tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng lãi suất hợp lý. Cách làm này được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao vì khắc phục nhiều bất cập của chương trình bình ổn giá hiện nay.
Theo đó, 8 ngân hàng trên địa bàn đã đồng ý trợ giúp DN vay vốn để thực hiện chương trình bình ổn các mặt hàng sữa, lương thực - thực phẩm, đồ dùng mùa khai trường… Tổng số vốn được các ngân hàng cam kết cho DN vay đã lên con số khoảng 8.300 tỉ đồng, tăng hơn 4 lần so với chương trình năm 2013. “Tính đến thời điểm tháng 8, đã có 43 DN bình ổn đăng ký vay vốn và đã có 24 DN được cấp hạn mức tín dụng 2.354,1 tỷ đồng, trong đó có 18 DN đã thực hiện giải ngân 763,28 tỷ đồng. Chúng tôi đang tăng cường hợp tác với các ngân hàng giúp DN hoàn tất cả thủ tục, kịp thời xử lý các vướng mắc trong quá trình giao dịch”, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết.
Để người tiêu dùng tăng cường nhận diện về hàng bình ổn, mới đây, TP Hồ Chí Minh đã đồng loạt sử dụng logo nhận biết được thiết kế riêng cho chương trình bình ổn giá. Khảo sát của Sở Công Thương, hiện hầu hết các DN đã chủ động in ấn logo trên băng rôn, bảng chỉ dẫn, bảng niêm yết giá tại điểm bán... Cụ thể đã có 100% đơn vị sử dụng trên băng rôn, bảng chỉ dẫn, bảng niêm yết giá tại các điểm bán bình ổn thị trường; 33 DN sử dụng trên bao bì sản phẩm; 24 DN sử dụng trên website, tờ rơi, phương tiện truyền thông báo chí có 24 DN… Theo bà Đào, việc đưa vào sử dụng logo sẽ giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu sản phẩm và đến các điểm bán hàng bình ổn để mua sắm một cách dễ dàng. Song song đó, logo của chương trình sẽ trở thành hình ảnh quen thuộc, là biểu tượng của hàng hóa có uy tín, chất lượng cao, giá cả hợp lý và là dấu hiệu nhận biết góp phần hạn chế những hành vi lợi dụng danh nghĩa gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của chương trình.