Chiều 7/8, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh việc bình ổn giá đóng vai trò hết sức quan trọng trên địa bàn Thủ đô. Thành phố tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tham gia, nhưng luôn đảm bảo sân chơi bình đẳng, lành mạnh với mục đích cuối cùng là làm sao tiêu thụ được nhiều hàng hóa có chất lượng cao, giá cả hợp lý.
Hàng bình ổn giá tại một siêu thị ở Hà Nội. |
Hà Nội là một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có địa bàn rộng, dân số đông, nên việc đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân luôn gặp nhiều khó khăn. Vậy nhưng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố ba năm gần đây luôn thấp hơn so với mức trung bình của cả nước. Kinh nghiệm của Hà Nội là coi công tác bình ổn giá là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Hà Nội có gần 10 triệu dân sinh sống trên địa bàn, nhu cầu tiêu dùng lớn, mỗi tháng cần khoảng 55.000 tấn gạo; 8.500 tấn thịt lợn hơi; 4.250 tấn thịt gà; 75 triệu quả trứng gà, vịt; 3.400 tấn thủy, hải sản đông lạnh; 4,2 triệu lít dầu ăn; 65.000 tấn rau củ tươi… Khó khăn lớn nhất hiện nay là nông dân Hà Nội sản xuất hàng hóa chưa đáp ứng và số lượng thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế; trong đó có nhiều mặt hàng thiếu trầm trọng, chủ yếu phải nhập khẩu từ bên ngoài, dẫn tới giá cả tăng cao, hàng hóa không đảm bảo chất lượng trôi nổi, khó kiểm soát.
Trước thực trạng trên, Hà Nội đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tàu, uy tín đảm nhận việc cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường, trong đó ưu tiên hàng trong nước chất lượng cao. Thành phố Hà Nội tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong việc khai thác nguồn hàng, ký kết hợp đồng sản xuất, dự trữ, quay vòng vốn và bố trí các phương tiện vận chuyển để có thể cung ứng kịp thời hàng hóa khi xảy ra biến động. Mỗi năm thành phố tạm ứng hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị hàng hóa và tổ chức trên 2.200 điểm bán hàng liên doanh liên kết, lương thực thực phẩm và bếp ăn tập thể…
Hiện nay, trên địa bàn có 4 ngân hàng đăng ký tham gia chương trình cho vay vốn với tổng hạn mức tín dụng các ngân hàng đăng ký khoảng 1.200 tỷ đồng, lãi suất cho doanh nghiệp vay tham gia bình ổn từ 6-10%/năm. Tuy nhiên, việc này cũng gặp không ít khó khăn vướng mắc, các doanh nghiệp đề nghị cần cho vay theo hình thức tín chấp và vay vốn trung hạn, dài hạn, với mức lãi suất ưu đãi.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đã chỉ đạo, các ngân hàng cần nghiên cứu đễ có mức lãi suất ưu đãi hơn để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, vì đây còn là nhiệm vụ giải quyết tốt vấn đề xã hội, dân sinh.
Văn Cảnh