Giá urê thế giới tăng cao nhất kể từ 2009
Thị trường NH3 tuần qua đã ghi nhận nhiều thông tin bất ngờ khi hàng loạt nhà máy tại châu Âu phải đóng cửa do giá thành sản xuất tăng cao vì thiếu khí đốt.
Công ty Yara – Na Uy tuyên bố giảm công suất 40% trên toàn châu Âu còn Công ty BASF của Đức đã đóng cửa Nhà máy NH3 tại Antewerp và Ludwigshafen vì với mức giá khí mới, giá thành sản xuất NH3 tại châu Âu đã gần chạm ngưỡng 950 $/tấn trong khi giá nhập khẩu về châu Âu là 670-700$/tấn CFR (CFR là giá bao gồm cước phí). NH3 là nguyên liệu chính để sản xuất ra các loại phân bón chứa nitơ như urê, DAP, NPK..., do vậy đã ảnh hưởng trực tiếp tới giá phân bón, đặc biệt là urê.
Theo các bản tin của hai công ty dự báo và phân tích thị trường quốc tế là Argus và Fertecon, nguồn cung urê trên toàn thế giới ngày càng khan hiếm, giá tiếp tục tăng tại tất cả các thị trường.
Cuối tháng 9 thị trường urê thế giới đã chứng kiến nhiều kỷ lục được thiết lập tại các khu vực sau khi duy trì đà tăng liên tiếp trong 3 tuần qua.
Tại cảng Nola, Mỹ, giá urê đã tăng vượt mức 650 USD/tấn FOB (giá FOB là giá không bao gồm chi phí vận chuyển, bảo hiểm tới điểm đến, phí thuê phương tiện chuyên chở, phí bảo hiểm hàng hoá và các chi phí phát sinh khác trong quá trình chuyên chở), thiết lập một mức giá kỷ lục mới trong vòng 10 năm trở lại đây.
Tại Ai Cập, sau khi tăng 75 USD/tấn tuần trước, tuần này giá urê tiếp tục tăng thêm 80 USD/tấn và đạt mức kỷ lục 700 USD/tấn FOB cho hàng giao tháng 12/2021. Giá urê tăng mạnh trong trạng thái nguồn cung thắt chặt tại châu Âu khi giá khí đốt tăng cao đã khiến nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất, cùng với đó nguồn cung còn bị đe dọa khi chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc được đưa ra vào ngày 27/9 vừa qua. Giá tăng mạnh, nguồn cung hạn chế, nhu cầu đang tăng trở lại tại tất cả các thị trường do chuẩn bị bước vào vụ sản xuất, điển hình là các đấu thầu tại Ấn độ, Tây Phi.. sẽ là yếu tố tiếp tục hỗ trợ thị trường urê trong thời gian tới.
Ngày 1/10/2021, Công ty RCF Ấn Độ đã mở thầu mua 1,5 triệu tấn urê, các nhà cung cấp phải giao hàng trong tháng 10 và 11/2021. Kết quả mở thầu cho thấy Công ty Amber có giá chào thấp nhất là 665,5 USD/tấn CFR nhưng chỉ cung cấp được 65.000 tấn. Số lượng hàng còn lại có mức giá chào dao động trong khoảng 720 USD– 790 USD/tấn CFR. Như vậy, mức giá mới này đã lập kỷ lục trong 10 năm trở lại đây còn so với gói thầu mua urê trước đó vào cuối tháng 7/2021, đơn giá đã tăng thêm 150USD/tấn. Nếu giá nhập khẩu tại Ấn Độ bình quân 730USD/tấn CFR thì giá thành nhập khẩu sau khi đóng bao 50kg tại cảng tương đương 17.000 đ/kg.
Theo dự báo Argus và Fertecon, khu vực Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ thiếu hụt urê vì đến nay chỉ có 3 nước chủ động được nguồn cung urê cho nội địa là Việt Nam, Indonesia, Malaysia trong khi các quốc gia còn lại phải nhập khẩu toàn bộ urê vì không có nhà máy sản xuất, trong đó 2 quốc gia nhập khẩu nhiều nhất là Thái Lan (nhập khẩu 2.5 triệu tấn) và Philipines (1 triệu tấn/năm).
Giá phân đạm urê trong nước sẽ biến động
Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VFA) Phùng Hà cho biết, với đặc điểm nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao khi tham gia hầu hết các hiệp định thương mại tự do và ưu đãi thuế quan trên thế giới nên thị trường phân bón Việt Nam cũng liên thông với thị trường thế giới và tuân theo quy luật vận động, điều tiết của thị trường thế giới. Vì vậy, với đà tăng giá thế giới như trên và quy luật thị trường, chắc chắn giá phân urê và các loại phân bón khác trong nước sẽ biến động tăng.
Theo cập nhật mới nhất của VFA, từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón tại thị trường trong nước đã tăng từ khoảng 8% đến 55% tùy loại. Cụ thể, phân urê tăng 55%; phân DAP tăng 35 đến 50%; phân supe lân tăng hơn 8%; phân NPK tăng 15% đến 20%.
Để góp phần bình ổn giá phân bón trong nước, đảm bảo nguồn cung, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, VFA tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón đảm bảo nguồn cung phân bón ra thị trường, tránh tâm lý lo lắng thiếu hàng hóa của người nông dân; từ đó loại bỏ được tình trạng găm hàng đẩy giá.
Thực tế là, với công suất sản xuất của 4 doanh nghiệp phân bón urê lớn trong nước (gồm Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí PVFCCo, Công ty Phân bón dầu khí Cà Mau PVCFC, Công ty phân đạm Ninh Bình và Công ty Đạm Hà Bắc), nhu cầu phân bón urê cho sản xuất nông nghiệp ở trong nước hoàn toàn được đáp ứng nhưng giá bán sẽ liên thông với giá phân bón thế giới, ông Hà cho biết.
Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng là sớm sửa đổi những bất cập trong Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật thuế 71) có hiệu lực từ năm 2015, sớm đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT từ 0%-5% để doanh nghiệp phân bón có thể đầu tư nhiều hơn nữa vào công nghệ sản xuất tiên tiến, từ đó cho sản phẩm chất lượng với giá thành cạnh tranh nhất, góp phần hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và với người nông dân.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá lại chính xác, đầy đủ và tổng thể về tác động của thuế phòng vệ thương mại đối với phân bón nhằm hài hòa quyền lợi của nhà sản xuất, doanh nghiệp thương mại và người nông dân.
Về phía người sử dụng, vào dịp phân bón tăng giá, người dân cần sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý hơn, hiệu quả hơn, thực hiện khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng phân bón hiệu quả nhất theo nguyên tắc 5 đúng (đúng chủng loại phân, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng vụ và thời tiết, đúng phương pháp). Nông dân cũng nên tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ bởi loại phân này không những cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà còn bảo vệ hệ sinh thái đất, ông Hà nhấn mạnh.