Những thành quả này có sự góp phần của hoạt động khuyến công trong đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp nông thôn nói riêng. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ cao tạo đà cho doanh nghiệp phát triển bền vững và từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương đã khẳng định như vậy tại Hội nghị toàn quốc về công tác khuyến công và trao giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biếu cấp quốc gia lần thứ IV năm 2021 do Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 10/12 tại Hà Nội.
Những con số ấn tượng
Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho biết: Năm 2021 là năm đầu thực hiện Chương trình Khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025 và cũng là năm đầu tiên các địa phương trên cả nước triển khai chương trình khuyến công địa phương trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Theo ông Ngô Quang Trung, với tổng kinh phí khuyến công của cả nước là 3 tỷ đồng; trong đó kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia là 150 tỷ đồng, kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương là 188 tỷ đồng, khuyến công quốc gia đã hỗ trợ xây dựng 4 mô hình trình diễn; 136 cơ sở ứng dụng máy móc hiện đại vào dây chuyền sản xuất công nghiệp, với kinh phí 61,75 tỷ đồng.
Ngoài ra, khuyến công địa phương cũng đã xây dựng 10 mô hình trình diễn, chuyển giao ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại cho 603 cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ 5 cơ sở công nghiệp nông thôn sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ tư vấn, đánh giá, đào tạo cho khoảng 92 cơ sở về sản xuất sạch hơn. Tổng kinh phí hỗ trợ là 104,5 tỷ đồng.
Đây là chương trình thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc đầu tư xây dựng mô hình, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị vào sản xuất với số vốn đầu tư khoảng trên 7 tỷ đồng.
Đặc biệt, chương trình cũng đã tư vấn trợ giúp hơn 3.000 cán bộ quản lý điều hành các cơ sở nâng cao kiến thức về quản lý sản xuất kinh doanh, thị trường, kỹ năng marketing, quản lý chất lượng, thiết kế mẫu mã sản phẩm...
Ngoài ra, chương trình còn tổ chức được 5 đoàn tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm trong nước cho 87 lượt người là đại diện cơ sở công nghiệp nông thôn, cán bộ quản lý địa phương; tổ chức được 22 hội thảo, tập huấn chuyên đề cho 1.500 đại biểu tham dự thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến qua mạng Internet. Chương trình hỗ trợ tư vấn cho 12 cơ sở công nghiệp nông thôn trong các hoạt động: thành lập doanh nghiệp, lập dự án đầu tư; marketing; thiết kế mẫu mã bao bì với tổng kinh phí hỗ trợ 8,96 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh nên chương trình khuyến công hạn chế triển khai các nội dung hỗ trợ tổ chức các hội chợ, triển lãm, hỗ trợ các phòng trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp…
Riêng đối với nội dung bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, do đặc thù cần thiết động viên, hỗ trợ phát triển sản phẩm, Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt để tổ chức thực hiện bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ tư.
Đáng lưu ý, kỳ bình chọn cấp quốc gia năm 2021 có số lượng sản phẩm tham gia nhiều nhất từ trước đến nay với 310 sản phẩm của 58/63 tỉnh, thành phố gửi đăng ký tham gia. Hội đồng bình chọn đã tổ chức bình chọn, cấp giấy chứng nhận cho 200 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay: Do tác động bởi dịch COVID-19 nên trong thời gian giãn cách, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Bởi vậy, định hướng trong khuyến công quốc gia cho phát triển công nghiệp nông thôn là hướng đi đúng đắn, ví như "cây gậy" chính sách để chỉ đạo và dẫn dắt ngành nghề công nghiệp nông thôn cả nước.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Hà Nội về cơ bản không bị đứt gẫy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn đều duy trì được đơn hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên yếu tố đầu vào và logictis rất cao nên lợi nhuận gần như không có. Hơn nữa, doanh nghiệp vẫn phải duy trì để giữ chân khách hàng và người lao động.
Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức 19 lớp tập huấn khuyến công, tư vấn mẫu mã; cung cấp thông tin thị trường cho 55 doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ bằng nhiều hình thức quảng bá giúp doanh nghiệp kết nối giao thương, thúc đẩy sản xuất tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.
Ngoài ra, Hà Nội còn có 80 doanh nghiệp đăng ký sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và dự kiến công bố 71 sản phẩm; tổ chức thiết kế mẫu thủ công mỹ nghệ để khuyến khích thiết kế mới cho các cơ sở thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ 18 đơn vị đầu tư máy móc công nghệ; triển khai các hỗ trợ cho làng nghề phát triển du lịch, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử…
Tạo sự chuyển biến
Theo bà Trần Thị Phương Lan, năm 2022 Sở Công Thương Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ cho các đơn vị công nghiệp nông thôn tiêu biểu vượt qua khó khăn do dịch cũng như hỗ trợ ổn định nguồn cung lao động, kết nối chuỗi sản xuất, đơn hàng xuất khẩu.
Mặt khác, Sở Công Thương sẽ tập trung giải quyết khó khăn vướng mắc và xúc tiến thương mại cho từng làng nghề, đơn vị có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Để thúc đẩy ngành nghề nông thôn phát triển, bà Trần Thị Phương Lan đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ phân định rõ ngành nghề nào thuộc quản lý của ngành công thương và nông nghiệp để có định hướng theo chức trách nhiệm vụ. Ngoài ra. Chính phủ quan tâm đúng mức và dành kinh phí cho khuyến công quốc gia để hỗ trợ lĩnh vực này phát triển bền vững.
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành công thương, tổ chức hệ thống khuyến công từ trung ương đến địa phương tạo sự đồng thuận trong đẩy mạnh hoạt động khuyến công, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, các địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; bố trí nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách, đồng thời tạo môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đề nghị các đơn vị nắm bắt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế, chú trọng chuyển đổi số và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh nhằm tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững
Đặc biệt, các đơn vị cần nâng cấp cơ sở dữ liệu, phần mềm phục vụ công tác thống kê số liệu và theo dõi quản lý chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công; tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn để doanh nghiệp có định hướng chủ động trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu.
Để ghi nhận thành tích đóng góp xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong việc tham gia, thực hiện các hoạt động khuyến công giai đoạn 2014 - 2020, tại hội nghị lần này đã có 75 tập thể và 112 cá nhân được trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ghi nhận thành tích xuất sắc trong khuyến công.