Người tiêu dùng lo lắng, nhiều hệ thống bán lẻ bị ảnh hưởng
Chị Nguyễn Thị Hiền (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, gia đình chị thường mua rau ở siêu thị, vì nghĩ rau ở siêu thị an toàn, đảm bảo sức khoẻ, mặc dù giá cao gấp 2 - 3 lần so với ngoài chợ. Tuy nhiên, vụ việc rau VietGAP vừa qua khiến chị lo lắng, trong thời gian chờ thông tin rõ ràng từ cơ quan chức năng, gia đình chị nhờ người nhà ở quê chuyển rau tự trồng lên để sử dụng...
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, sự việc này ảnh hưởng lớn đến các hệ thống bán lẻ và các nhà sản xuất chân chính, đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường kiểm soát, có chế tài xử phạt nghiêm để răn đe và hạn chế ảnh hưởng tới các cơ sở sản xuất sạch.
Còn theo ông Nguyễn Anh Đức, đại diện Saigon Co.op - doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tới nhiều nước, sau thông tin trên, phía đối tác phía Nhật Bản, Singapore đã gọi điện tới doanh nghiệp mong muốn thu mua trực tiếp, nhng đơn vị không đủ lượng hàng thường xuyên, chưa kể thủ tục, chính sách thu mua trực tiếp hiện nay gặp khó khăn, không có hoá đơn xuất nhập, vì vậy mới phát sinh ra những đơn vị trung gian...
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam khẳng định, cần phải làm rõ, vì đây là hàng hoá không truy xuất được nguồn gốc chứ không phải là hàng hoá có vấn đề. Vì hàng hoá vào chợ đầu mối đã qua kiểm soát. Vấn đề sai ở đây là giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa nhà cung cấp với các chuỗi siêu thị về nguồn gốc hàng hoá. Còn hàng hoá đã sản xuất ra có người làm tốt, có người làm không tốt, nhưng không phải ai cũng làm không tốt.
Không thể chỉ "quản lý trên giấy"
Theo bà Vũ Thị Hậu, quy định chung của nhiều siêu thị hiện nay là định kỳ đều phải đến kiểm tra, giám sát vùng trồng rau của đơn vị cung ứng nông sản thực phẩm. Nếu thực hiện nghiêm đúng quy trình, quy định, việc nông sản, thực phẩm kém chất lượng vào siêu thị là không thể. Bên cạnh đó, các siêu thị đều có quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm, nhất là các siêu thị lớn đều có hệ thống phòng kiểm nghiệm thực phẩm khi nhập kho. Mặt khác, quá trình kiểm tra gồm nhiều bước, nhiều người thực hiện chứ không phải một việc hay một người mà dễ xảy ra tiêu cực. Song, người tiêu dùng cũng không nên quá hoang mang về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa trong siêu thị.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội phân tích thêm, việc rau chợ “biến hình” thành rau an toàn vào các siêu thị vừa qua không phải là lần đầu và không chỉ với mặt hàng rau, nhiều thực phẩm khác cũng từng bị phanh phui, điều này ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng.
Hàng nông sản vào siêu thị hiện chịu sự quản lý của ba ngành: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, nên đối với các siêu thị, việc xin giấy phép, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm phải qua nhiều “cửa”. Rõ ràng, cơ chế kiểm tra, xử lý, giám sát đang có quá nhiều “lỗ hổng” và yếu kém.
“Nếu vẫn kiểm tra theo kiểu ‘quản lý trên giấy’, thời gian tới thực phẩm ‘bẩn’ vẫn tiếp tục tái diễn và thiệt hại nhất vẫn chính là người tiêu dùng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần liên kết để sản xuất tốt hơn và cùng nhau làm thực phẩm sạch. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần tăng mức độ xử phạt để có tính răn đe”, ông Vũ Vinh Phú khẳng định.
Theo Luật sư Đặng Xuân Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, vụ việc đang chờ kết luận của cơ quan chức năng, nhưng các hành vi vi phạm này là sự lừa dối, bán sản phẩm không đạt chất lượng như cam kết, gây thiệt hại cho khách hàng. Nếu ở mức độ nhẹ, chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì các bên liên quan có thể bị phạt hành chính với số tiền từ 30 - 50 triệu đồng (Điều 13 Nghị Định số 98/2020/NĐ-CP).
Nếu trường hợp cơ quan chức năng điều tra kết luận có sai phạm đúng như báo chí phản ánh và gây hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, hành vi này có thể bị xử lý hình sự về “tội lừa dối khách hàng”. Tùy theo mức độ thu lợi bất chính và hậu quả, hành vi này có thể đối diện với mức phạt tù đến 5 năm và mức phạt tiền đến 500 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm (Điều 198 BLHS 2015).
Ngoài ra, hành vi thay đổi nhãn, mác sản phẩm, hàng hóa chưa được kiểm định chất lượng thành sản phẩm, hàng hóa được đóng nhãn, mác đã kiểm định chất lượng VietGAP để bán giá cao, thu lợi bất chính... còn có thể cấu thành tội hình sự “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”. Hành vi gian lận này với cá nhân phạm tội có thể bị xử phạt tù đến 5 năm; đối với tổ chức, tùy vào mức độ thu lợi bất chính và hậu quả xảy ra thì có thể bị phạt tiền lên đến 18 tỷ đồng, bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc vĩnh viễn.