Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam khẳng định, tính đến ngày 14/8, Ninh Thuận là địa phương duy nhất trong cả nước chưa xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đây là kết quả đáng ghi nhận. Đáng nói hơn cả là sự thay đổi nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi gia súc, các chủ cơ sở giết mổ gia súc, góp phần ngăn chặn hiệu quả bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đến thời điểm này.
Tuy nhiên, tỉnh không vì thế mà lơ là, chủ quan, bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì những ngày gần đây địa phương đang có mưa, khí hậu ẩm ướt, là điều kiện để các mầm bệnh phát sinh và gây bệnh cho gia súc, gia cầm có sức đề kháng suy giảm, nhất là mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng và đã xảy ra tại các địa phương lân cận tỉnh.
Để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh tả lợn châu Phi có nguy cơ xâm nhiễm vào địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển lợn một cách nghiêm ngặt tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật trên tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 27, quốc lộ 27 b đi qua địa bàn tỉnh; đồng thời rà soát các điểm trung chuyển, mua bán, giết mổ lợn trên địa bàn tỉnh để kiểm soát và xử lý kịp thời những vi phạm xảy ra.
Bên cạnh đó, tỉnh huy động lực lượng tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng (phun hóa chất, rải vôi bột) đồng bộ, toàn diện, tập trung với tần suất cao 2 lần/tuần và thực hiện trong vòng một tháng tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, các chợ mua bán gia súc, gia cầm và kể cả nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm…
Ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, các đơn vị có liên quan tiếp tục tăng cường lực lượng túc trực 24/24 giờ tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật; đồng thời phun hóa chất và test nhanh mầm bệnh cho đàn lợn vận chuyển trên các phương tiện đi vào địa bàn.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp phát đầy đủ lượng hóa chất, trang thiết bị cho các địa phương, hộ chăn nuôi có nhu cầu để thực hiện tiêu độc khử trùng với sự giám sát chặt chẽ của Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh động vật các huyện/thành phố. Đến trưa ngày 14/8, toàn tỉnh đã có 35/65 xã, phường, thị trấn đã thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng, các địa phương còn lại cũng đang rất khẩn trương thực hiện để tránh xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận, hàng ngày có khoảng 50 xe ô tô tải chở 8.000 con lợn trên tuyến quốc lộ 1A quá cảnh qua địa bàn tỉnh, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm, phát sinh và lây lan ở địa phương là rất cao nếu như không chủ động kiểm tra, kiểm soát một cách tổng thể.
Đến nay, 7 huyện/thành phố của tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch, sẵn sàng thực hiện theo phương án 2, tức khi phát hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ xử lý nhanh gọn, không để mầm bệnh phát tán trên diện rộng. Bên cạnh đó đã có 5 huyện trong tỉnh có kế hoạch dự trù kinh phí để chống dịch.
Trong khi đó, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dịch tả lợn châu Phí từ đầu tháng 8 đến nay vẫn lây lan nhanh trên diện rộng. Đặc biệt phần lớn lợn nái và lợn đực giống là đối tượng phát bệnh và chết đầu tiên trong các ổ dịch đã phát hiện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 địa phương xã là Bình Giã và Xà Bang, huyện Châu Đức dịch đang bùng phát mạnh (Bình Giã có 14 ổ dịch, Xà Bang có 10 ổ dịch) và có nguy cơ lây lan nhanh, Chi cục đang phối hợp với địa phương quyết liệt triển khai phòng chống dịch, theo dõi chặt chẻ diễn biến dịch để có hướng xử lý tiếp theo.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng cho biết, dịch cũng đã xuất hiện tại trại chăn nuôi của 1 hộ ở thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, tổng đàn khoảng 700 con, hiện đã tiêu hủy 356 con bệnh, Chi cục tiếp tục cử cán bộ theo dõi diễn biến ổ dịch để có biện pháp xử lý. Đây là trại chăn nuôi chuồng hở, vị trí chăn nuôi gần mặt đường liên huyện, an toàn sinh học chưa đảm bảo.
Hiện giá lợn thịt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang có chiều hướng tăng mạnh (từ .000 đến 40.000 đồng/kg). Tuy nhiên, giá lợn con và lợn nái loại thải hiện còn quá thấp và tiêu thụ rất chậm. Dẫn đến người chăn nuôi rất khó khăn trong tiêu thụ để giảm đàn nhằm giảm khả năng lây lan dịch bệnh.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, hiện các hộ, trại chăn nuôi lớn nhỏ của địa phương đều phải liên tục tiến hành tiêu độc, khử trùng trại nuôi. Không chỉ vậy mà khu vực bán lợn của các chợ; các lò mổ cũng phải phun xịt khử trùng mỗi ngày. Bên cạnh đó, lợn muốn vận chuyển ra, vào xã đều phải lấy mẫu xét nghiệm, nếu kết quả âm tính mới được cấp giấy phép.
Tại tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có quyết định về việc quy định mức hỗ trợ kinh phí, phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh năm 2019.
Theo quyết định 2267/QĐ-UBND áp dụng từ ngày 27/6/2019, những hộ chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ được hỗ trợ với mức 25.000 đồng/kg với lợn con, lợn thịt các loại, 30.000 đồng/kg với lợn nái, lợn đực đang khai thác (mức cũ UBND tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ là .000 đồng/kg lợn hơi được áp dụng từ ngày 26/5 đến 25/6/2019).
Hỗ trợ doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa có lợn bị dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy mức 8.000 đồng/kg với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ 10.000 đồng/kg lợn hơi với lợn nái, lợn đực đang khai thác. Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).
Ngoài ra, để nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, tiêu diệt, sát trùng các loại mầm bệnh, đảm bảo duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chủ hộ nuôi giữ lợn giống cụ kỵ, ông bà với mức 500.000 đồng/con lợn.
Trước đó, từ ngày 1/8, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có Quyết định số 2127/QĐ-UBND, công bố dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên toàn địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, đối tượng mắc bệnh là tất cả các loài lợn nhà và lợn rừng nuôi. Thời gian xảy ra dịch bệnh là ngày 24/5. Vùng có dịch được công bố trên địa bàn các huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, Thạnh Trị, Châu Thành, Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Cù Lao Dung, thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm và thành phố Sóc Trăng.
Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ghi rõ, địa phương, đơn vị nào không tích cực, chủ động, thực hiện chưa triệt để, đồng bộ các biện pháp xử lý dịch, để dịch bệnh tiếp tục phát sinh, gây thiệt hại lớn cho sản xuất chăn nuôi của tỉnh thì người đứng đầu địa phương, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật theo quy định.
Theo ông Lâm Minh Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Sóc Trăng, đến hết ngày 13/8, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 937 hộ, tại 303 ấp của 93 xã thuộc 11 huyện, thị, thành phố của tỉnh Sóc Trăng với tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 24.318 con. Tổng trọng lượng đã tiêu hủy là 1.623 tấn, riêng trong ngày 13/8, toàn tỉnh tiêu hủy 523 con với 33,663 tấn lợn hơi.
Cũng theo ông Lâm Minh Hoàng, mặc dù các cấp ngành địa phương ở Sóc Trăng đã liên tục tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nhưng do ý thức kém trong bảo vệ môi trường và thói quen của người dân ở địa phương nên vẫn còn tình trạng một số hộ dân ở vùng sâu vùng xa, ven kinh rạch khi có gia súc, gia cầm, kể cả lợn bị dịch tả châu Phi chết người dân cũng “tiện tay” vứt bỏ xuống sông, rạch gây ô nhiễm môi trường, lây lan nguồn bệnh.