Mặc dù Việt Nam có thể đạt được mức xuất siêu ấn tượng trong năm 2014 nhưng Bộ Công Thương nhận định sang năm 2015 có thể quay trở lại nhập siêu với mức 6 - 8 tỷ USD. Các chuyên gia cho biết cần kiểm soát tốt cán cân thương mại để tránh những hệ lụy do nhập siêu gây ra.
Xuất siêu không bền vữngTheo số liệu của Bộ Công Thương, trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất siêu khoảng 1,9 tỷ USD. Nhìn lại 3 năm vừa qua, Việt Nam đều xuất siêu. Tuy vậy, việc xuất siêu hiện nay chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) trong khi giá trị xuất khẩu của khối này đang giảm.
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN |
Tại buổi họp báo mới đây của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Thời gian tới, xuất siêu của khối DN FDI sẽ tăng trưởng chậm lại. Xu hướng này thể hiện rõ qua số liệu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu: Năm 2012 là tăng 31%, năm 2013 tăng 22% và 10 tháng năm 2014 chỉ tăng 12%. Lý do, phần lớn các DN FDI đã đạt đến ngưỡng khó tăng thêm về công suất thiết kế, tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu. Với đà giảm này, trong năm 2015, nhiều khả năng, tăng trưởng về xuất khẩu của các DN FDI sẽ còn chậm hơn”.
“Cần mở rộng và đa dạng hóa thị trường nhập khẩu thông qua đàm phán, ký kết các hiệp định tự do thương mại, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào một số thị trường. Chú trọng định hướng vào các thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản - những thị trường có công nghệ cao, công nghệ nguồn, thân thiện với môi trường”, ông Trần Việt Dũng kiến nghị. |
Cùng với đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu được coi là thế mạnh của Việt Nam, sau thời gian dài tăng trưởng liên tục với tốc độ cao như nông sản, thủy sản… thì nay tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, năng lực chế biến, tiếp thị, xúc tiến thương mại nhằm tăng giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu chưa được cải thiện nên khó có khả năng tăng trưởng cao hơn.
Mặt khác, trong năm 2015, khi các hiệp định thương mại tự do của nước ta với các đối tác được ký kết (Việt Nam-EU, Việt Nam-Hàn Quốc hay TPP) thì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng. Theo đó, giá trị nhập siêu cũng tăng vì các DN mới vào đầu tư sẽ phải triển khai dự án, tập trung nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị.
Ngoài ra, từ năm 2015, một số nhà máy nhiệt điện trong nước sẽ đi vào hoạt động, Việt Nam phải nhập khẩu than vì nguồn cung than trong nước không đáp ứng đủ. Trong lĩnh vực dầu khí, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu dầu thô để chế biến xăng dầu thay cho việc nhập khẩu xăng dầu trực tiếp. Vì vậy, Bộ Công Thương nhận định năm 2015, Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 163 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014 nhưng kim ngạch nhập khẩu lại tăng nhiều hơn, do đó mức dự báo nhập siêu sẽ khoảng 6 - 8 tỷ USD.
Kiểm soát chặt nhập khẩu hàng tiêu dùngTheo ThS kinh tế Trần Việt Dũng (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhập siêu đối với mỗi quốc gia tích cực hay tiêu cực còn phụ thuộc vào cơ cấu xuất nhập khẩu theo mặt hàng cũng như thị trường. Với các quốc gia đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam, nếu nhập máy móc, thiết bị, công nghệ nguồn để phát triển sản xuất, tạo nguồn thu cho ngân sách, giải quyết công ăn việc làm, tạo nguồn hàng hóa xuất khẩu trong tương lai thì nhập siêu là tình huống tích cực, thể hiện trạng thái năng động của nền kinh tế.
“Tuy nhiên, nhập siêu lớn trong thời gian dài, cũng như cơ cấu nhập siêu bất lợi, tập trung vào thị trường Trung Quốc thì sẽ tác động bất lợi đối với ổn định kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, nhập siêu còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với an ninh tài chính quốc gia”, ông Dũng cho hay.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nhập siêu cơ bản là không tốt. Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng cần phải xét xem cơ cấu hàng hóa nhập siêu là gì. Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh bị đình trệ do DN gặp khó khăn, nếu nhập khẩu máy móc, thiết bị sản xuất thì là tốt vì nó kích thích sản xuất phát triển. Nhưng nếu tỷ trọng nhập siêu thiên về hàng tiêu dùng thiết yếu, xa xỉ phẩm, đặc biệt là những mặt hàng Việt Nam có khả năng sản xuất được thì lại là điều đáng lo. Tính riêng mặt hàng ô tô, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 10/2014, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc ước đạt 7.000 chiếc với giá trị khoảng 150 triệu USD, nâng tổng số nhập khẩu ô tô từ đầu năm đến nay lên khoảng 51.000 xe với giá trị 1,118 tỉ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng 76,1% về lượng và tăng 93% về giá trị.
Cũng theo chuyên gia kinh tế này, để hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng, còn phải xét đến khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam. Việc đưa ra các rào cản kĩ thuật cũng góp phần hạn chế nhập khẩu, tuy nhiên hàng rào này sẽ áp dụng với cả hàng nội lẫn hàng ngoại nên nếu hàng Việt không đạt tiêu chuẩn thì việc đưa ra rào cản lại thành bất lợi cho hàng nội.
Phân tích số liệu tăng trưởng xuất nhập khẩu của nước ta trong những năm gần đây cho thấy nhập siêu nhiều từ thị trường Trung Quốc. “Đặc biệt là cơ cấu hàng nhập khẩu bất hợp lý, nhập khẩu nhiều công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nguyên vật liệu và ảnh hưởng tới môi trường. Nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tăng khoảng 10 - 15% mỗi năm. Đây là điều đáng lo”, ông Phong cho biết.
Hoàng Dương