Kiểm soát tải trọng phương tiện tại các cảng Hà Nội

Ngày 16/12, tại Hà Nội, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị chuyền đề về thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường thực hiện việc kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đường bộ tại cảng, bến thủy nội địa”.

Ông Lê Đức Cường, Phó giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II cho biết, thời gian vừa qua, Cảng vụ đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Hà Nội như thanh tra đường thủy tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện tại cảng, bến thủy nội địa tại khu vực Hà Nội. Cụ thể, cảng vụ đã tổ chức cho hơn 200 đơn vị là đầu mối và hơn 500 đơn vị khai thác cảng, bến cảng thủy nội địa trên địa bàn ký cam kết không bốc xếp hàng lên phương tiện vượt quá trọng tải cho phép tham gia giao thông đường bộ.

Cảng Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN.

Đến nay, các doanh nghiệp khai thác cảng, bến thủy nội địa, kho hàng và các đầu mối bốc xếp hàng hóa cơ bản đã ký cam kết, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung cam kết; đã xây dựng và ban hành quy trình kiểm soát tải trọng, quy chế xử lý vi phạm; thông báo công khai và thông báo đối với khách hàng, hãng tàu, người vận tải, lái xe hoạt động tại các đầu mối về việc chấp hành quy định về xếp hàng lên phương tiện đường bộ. Đồng thời đã chú ý quan tâm đến việc bốc xếp hàng hóa theo đúng tải trọng cho phép.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II cũng thừa nhận, việc chấp hành các quy định về xếp hàng hóa lên phương tiện giao thông đường bộ và thực hiện các nội dung cam kết của một số đơn vị còn một số tồn tại, hạn chế.

Ông Trần Ngọc Thắng, Trưởng phòng kinh doanh (Cảng Hà Nội) cho hay, qua hoạt động quản lý tại cảng cho thấy vẫn còn nhiều phương tiện ra vào cảng chở quá tải, đặc biệt là các phương tiện chở vật liệu xây dựng. Cá biệt, nhiều chủ phương tiện mới bị phạt rất nặng tuần trước do chở quá tải số tiền lên tới 40 triệu đồng nhưng tuần sau lại tiếp tục chở quá tải trọng và lại bị các cơ quan chức năng phạt. Điều này cho thấy có thể mức phạt còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe doanh nghiệp hoặc việc chở quá tải đem lại lợi ích cao hơn?

Còn theo đại diện Xí nghiệp cơ khí vận tải Hà Nội (Tổng công ty Vận tải thủy), hiện nay quy định về chở quá tải đối với hàng hóa còn bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thí dụ như việc chở hàng rời, doanh nghiệp rất khó xác định chính xác được tải trọng chở hàng cho từng phương tiện vì đặc thù bốc xếp của loại hàng này. Tuy nhiên, khi thực hiện cân tải trọng có thể nhiều trường hợp bị vi phạm xuất phát từ nguyên nhân do việc bốc hàng không đồng đều xe chở nhiều, xe chở ít, mặc dù chủ phương tiện không cố tình. Vì vậy, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tháo gỡ vướng mắc này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp tham gia vận tải tại các cảng, bến thủy nội địa cũng đã kiến nghị các cơ quan chức năng cần thực hiện một cách thống nhất việc kiểm soát tải trọng tại các khu vực, tránh tình trạng cảng này kiểm soát chặt, cảng khác kiểm soát lỏng lẻo dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Phạm Thắng, Trưởng đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Hà Nội (Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II) cho biết, để nâng cao hiệu quả kiểm soát tải trọng phương tiện tại các cảng, bến thủy nội địa, trong thời gian tới, các đơn vị của cảng vụ sẽ phối hợp các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai kiểm soát tải trọng phương tiện tại cảng, bến cảng thủy nội địa.

Quang Toàn (TTXVN)
Kiểm soát trọng tải xe: Chặn từ gốc, đốn tận ngọn
Kiểm soát trọng tải xe: Chặn từ gốc, đốn tận ngọn

Chặn từ "gốc" và đốn tận "ngọn", cách làm hiệu quả trong kiểm soát trọng tải ô tô đã khiến lượng xe vi phạm chở quá tải gần đây giảm cơ bản, đặc biệt là xe chở hàng đường dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN