Chặn từ "gốc" và đốn tận "ngọn", cách làm quyết liệt, hiệu quả trong kiểm soát trọng tải của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ đã khiến lượng xe vi phạm chở quá tải thời gian qua giảm cơ bản, đặc biệt là xe chở hàng đường dài.
Nếu như trước đây, tình trạng xe quá tải đi công khai, phổ biến, thách thức dư luận thì nay, nhiều lái xe, chủ xe, chủ hàng, doanh nghiệp vận tải đã có ý thức chấp hành tốt hơn; chỉ còn một số lái xe, chủ xe, chủ hàng vẫn chạy quá tải nhưng lén lút, hoạt động vào ban đêm, trốn, né trạm cân.
Đồng bộ từ "gốc" đến "ngọn" Để hoạt động kinh doanh vận tải đi vào quy củ, ngay từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hai Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 10/01/2013 và số 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 về chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá trọng tải và tăng cường kiểm soát trọng tải xe trên đường bộ. Nội dung của các Công điện này đã được liên Bộ Giao thông Vận tải - Công an cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT-BCA về phối hợp thực hiện việc tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm chở hàng vượt quá trọng tải của ôtô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ, thực hiện từ tháng 12/2013. Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát trọng tải phương tiện cũng đã được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lựa chọn là chủ đề chính của Năm An toàn giao thông 2014.
Hàng loạt văn bản chỉ đạo điều hành, hàng loạt giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ trọng tải xe đã được Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công an và các địa phương đưa ra. Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với Bộ Công an thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm soát trọng tải xe tại 23 địa phương; trang cấp, chuyển giao công nghệ đối với 63 bộ cân kiểm tra trọng tải xe lưu động cho tất cả địa phương trong cả nước. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu kiểm tra trọng tải xe lưu động; thành lập 9 Đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm kích thước thùng xe; trang bị 12 bộ cân xách tay cho các Cục Quản lý đường bộ khu vực.
Kiểm tra trọng tải xe tại trạm cân lưu động Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí/TTXVN
|
63/63 UBND cấp tỉnh ban hành các nghị quyết, văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của địa phương phối hợp tăng cường kiểm soát trọng tải xe. Các địa phương đã huy động lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Công an cấp huyện... tham gia tại các điểm kiểm tra trọng tải xe lưu động, giải quyết, xử lý các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, “cò”, “môi giới dẫn xe” trốn tránh việc kiểm tra trọng tải. Hai Bộ Giao thông - Vận tải, Công an và các bộ, ngành đã tổ chức hai hội nghị đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, Hiệp hội nghề nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, đồng thời quán triệt chủ trương của Chính phủ, kế hoạch của liên bộ về kiểm soát trọng tải xe.
Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là việc triển khai kiểm tra trọng tải xe đồng loạt trên toàn quốc từ ngày 1/4 đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe. Tình trạng xe ô tô chở hàng quá trọng tải có chuyển biến tích cực, nhất là tại các địa phương, các đoạn, tuyến đường tổ chức kiểm tra trọng tải liên tục 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần. Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, với việc tổ chức kiểm soát trọng tải xe 24/24h các ngày trong tuần; từ ngày 16/12/2013 đến ngày 31/7/2014, các điểm kiểm tra lưu động đã dừng, kiểm tra trên 192.700 xe ô tô, phát hiện và lập biên bản trên .800 trường hợp vi phạm (vi phạm quá tải: 36.965 trường hợp, vi phạm kích thước thùng xe: 1.889 trường hợp); xử phạt hành chính nộp Kho bạc nhà nước 125 tỷ đồng, tạm giữ 849 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23.183 trường hợp, đã xử lý hạ tải đối với 11.453 phương tiện vi phạm với 65.300 tấn hàng. Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, từ ngày 16/11/2013 đến ngày 31/7/2014, lực lượng cảnh sát giao thông cũng đã dừng, kiểm tra 262.800 xe ô tô tải, phát hiện và lập biên bản 71.000 trường hợp vi phạm; xử phạt nộp kho bạc nhà nước 153,7 tỷ đồng, tạm giữ 3.362 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 31.712 trường hợp; buộc hạ tải đối với 12.000 phương tiện với 46.970 tấn hàng.
Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt còn tiến hành kiểm soát 24/24h tại 2 đầu đường các tuyến cao tốc và các nút giao ra, vào đường cao tốc để ngăn chặn, xử lý xe ôtô chở hàng quá trọng tải đi vào đường cao tốc. Chỉ trong 2 tháng triển khai, từ ngày 31/7 đến ngày 1/10/2014, lực lượng của Cục đã xử lý 273 trường hợp vi phạm chở quá trọng tải và 565 trường hợp vi phạm về tốc độ, phần đường, làn, dừng đỗ... trên các tuyến cao tốc; hạ tải 1.200 tấn hàng; tạm giữ 4 xe ô tô tải. Ngoài việc thực hiện kiểm tra theo kế hoạch liên ngành, lực lượng Thanh tra giao thông vận tải đã tổ chức kiểm soát trọng tải hơn 73.900 xe tại các điểm giao thông tĩnh, phát hiện, xử lý hơn 10.000 trường hợp vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hơn 6.800 trường hợp.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, không chỉ kiểm soát phần “ngọn” – khi xe đã lưu thông trên đường, các ngành, các địa phương đã chú trọng đến việc chặn từ “gốc” bằng việc tổ chức cho doanh nghiệp, lái xe, chủ xe, chủ hàng ký cam kết không chở hàng quá trọng tải; kiểm tra, xử lý vi phạm về kích thước thùng xe, siết chặt công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện. Những phương tiện tự cải tạo đều không được đăng kiểm và không được lưu hành.
Việc kiểm soát từ "gốc", từ kho hàng, mỏ vật liệu, bến cảng để không xếp hàng quá tải theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã được các địa phương triển khai nghiêm túc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông – Vận tải, tính đến ngày 24/9/2014, đã có 181/211 doanh nghiệp khai thác cảng biển ký cam kết không xếp hàng hóa vượt quá trọng tải cho phép. Công an và Sở Giao thông – Vận tải các địa phương cũng đã phối hợp tổ chức ký cam kết cho các doanh nghiệp trên địa bàn không vi phạm chở hàng quá trọng tải và hướng dẫn thực hiện việc xếp hàng hóa lên xe ô tô theo quy định. Nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng thực thi nhiệm vụ ở cơ sở, công an huyện, công an xã đã cùng vào cuộc làm công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện để yêu cầu cơ quan chức năng xử lý đối với đầu mối hàng hóa vi phạm xếp hàng quá tải.
Chỉ hơn một tháng (từ ngày 1/8 - 12/9), các Cục Quản lý đường bộ đã tiến hành kiểm tra tại 71 doanh nghiệp, nhà thầu, Ban quản lý dự án, phát hiện 114 xe vi phạm, giữ tem kiểm định của 33 xe, cắt thùng 20 xe, yêu cầu 51 chủ xe tự khắc phục, lập biên bản cam kết tự khắc phục đối với 52 doanh nghiệp, nhà thầu, Ban quản lý dự án. 3 Trung tâm đăng kiểm đã bị đình chỉ hoạt động có thời hạn và 58 đăng kiểm viên bị đình chỉ chức danh. 31 doanh nghiệp nhập khẩu bị từ chối kiểm tra, buộc tái xuất tổng số 279 phương tiện do Trung Quốc sản xuất. 16 doanh nghiệp nhập khẩu xe có cơ cấu chờ để lắp phần cơi nới thùng hàng khi đưa ra sử dụng bị xử lý. Các Trung tâm đăng kiểm đã từ chối kiểm định đối với 5.235 xe tải do tự ý cơi nới thùng chở hàng…
Tiếp tục kiểm soát kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng xe
Mặc dù có sự vào cuộc của các ngành, các cấp, song, nhìn lại một năm thực hiện kiểm soát trọng tải phương tiện cho thấy những tồn tại không phải là ít. Đầu tiên phải kể đến là ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, các quy định về vận tải hàng hóa bằng xe ô tô của một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe còn kém, chạy theo lợi nhuận. Thậm chí có doanh nghiệp, chủ hàng, chủ xe còn khoán khối lượng vận chuyển cho lái xe dẫn đến vi phạm; tự ý cải tạo, cơi nới thùng xe để chở hàng quá tải... Tình trạng xe ô tô tải dừng, đỗ ở hai đầu điểm kiểm tra trọng tải lưu động, đợi khi lực lượng liên ngành đang tập trung xử lý vi phạm đối với xe khác hoặc đợi thời điểm giao ca… rồi ồ ạt chạy qua; không chấp hành việc dừng xe kiểm soát, không công nhận kết quả cân, không ký biên bản, cho xe chạy nhanh làm hư hỏng cân; chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ còn xảy ra nhiều. Bên cạnh đó, một số địa phương, các cơ quan quản lý kho, cảng, bến bãi, chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ, chưa quản lý tốt việc xếp hàng hóa trên xe ô tô, vi phạm chưa được xử lý tại nơi xuất phát trong khi biên chế lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông ở một số địa phương còn mỏng, phải triển khai thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến kết quả của công tác kiểm soát trọng tải xe.
Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết kiểm soát kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng xe vẫn là giải pháp trọng tâm mà cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc trong năm tới. Đây cũng tiếp tục là chủ đề của Năm An toàn giao thông 2015. Chủ phương tiện sẽ là đối tượng để thực hiện kiểm tra kiểm soát, xử lý. Để phát hiện vi phạm, bên cạnh việc kiểm tra trực tiếp, lực lượng chức năng sẽ phát huy tối đa hiệu quả dữ liệu của trung tâm giám sát hành trình tại Tổng cục đường bộ để giám sát những hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông, đặc biệt là vi phạm về tốc độ và hành trình.
Mới đây, Bộ Giao thông – Vận tải đã ban hành Thông tư 53 quy định về điều kiện bảo dưỡng kỹ thuật đối với phương tiện và trong thời gian tới, Bộ sẽ ban hành thông tư thay thế Thông tư 55/2013/TT-BGTVT, đưa ra những quy định về trách nhiệm xử lý vi phạm đối với những đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng phương tiện ô tô để kinh doanh vận tải mà không thực hiện đúng các quy định về bảo trì, sửa chữa. Nếu làm tốt các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện ngoài kiểm soát bằng hệ thống cân, làm từ “gốc”, áp lực lên vai người lái xe và lực lượng thực thi công vụ trong công tác tuần tra kiểm soát sẽ giảm đi rất nhiều và rõ ràng nếu tiến hành nhịp nhàng các giải pháp thì vấn đề liên quan đến xe chở quá tải sẽ giải quyết được trong thời gian tới – ông Khuất Việt Hùng khẳng định.
Chu Thanh Vân (TTXVN)