Kiểm soát thị trường trước tác động tăng giá xăng dầu

Theo công văn số 3033 do Bộ Tài chính ban hành ngày 7/3/2012, giá bán lẻ xăng dầu đồng loạt điều chỉnh tăng giá. Cụ thể, xăng A92 tăng 2.100 đồng, lên 22.900 đồng/lít và là mức tăng cao nhất trong số các mặt hàng xăng dầu; dầu diezen tăng 1.000 đồng, lên 21.400 đồng/lít; dầu hỏa tăng 600 đồng, lên 20.800 đồng/lít, trong khi giá bán dầu mazut được áp dụng là 18.800 đồng/lít, tăng 2.000 đồng. Việc giá xăng tăng mạnh đã ngay lập tức ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội, trong đó chịu tác động nhiều nhất là nhóm dịch vụ vận tải và hàng hóa thiết yếu...

Doanh nghiệp vận tải gặp khó

Theo đại diện các doanh nghiệp vận tải taxi tại Hà Nội, thời gian vừa qua hàng loạt hãng taxi đã gặp khó khăn về tài chính trong kế hoạch đầu tư phương tiện do lãi suất ngân hàng, chi phí quản lý điều hành tăng. Thêm vào đó, việc giá xăng tăng bất ngờ lần này khiến hoạt động của các hãng taxi gặp nhiều bất lợi.

Giao thông vận tải là một trong những ngành chịu tác động tiêu cực đầu tiên của việc tăng giá xăng dầu. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết: Theo quy định, quy trình xin tăng cước vận chuyển không nhanh và không thể kịp thời so với giá nhiên liệu thị trường. Cụ thể, nếu muốn tăng cước, các hãng taxi phải trình Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính, cơ quan thuế, sau đó chờ Trung tâm Kiểm định tháo niêm chì để lập trình lại hệ thống thanh toán tự động. Trong thời gian chưa được các cơ quan chức năng cho phép tăng cước, các hãng taxi vẫn phải gồng mình chịu lỗ theo mức cước phí hiện hành.

Hiệp hội đã khuyến cáo các đơn vị thành viên về việc xăng dầu có thể tăng giá từ cách đây 1 tháng để các đơn vị chủ động phương án thay đổi cước vận tải. Thực tế giá xăng tăng 10% sẽ khiến chi phí hoạt động vận tải taxi tăng khoảng 5%, còn dầu diezen tăng khoảng 5%, làm chi phí vận tải hàng hóa, hành khách tăng khoảng 2%.

Ông Hùng cũng cho biết, Hiệp hội đã khuyến cáo các doanh nghiệp chỉ nên tăng giá cước khi giá xăng dầu tăng từ 10% trở lên. Trong trường hợp này, có thể các hãng taxi sẽ phải điều chỉnh giá cước.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, cho hay: Với mức tăng giá xăng dầu như hiện nay, các đơn vị vận tải sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu nâng giá cước lên cao thì người dân không chịu được, lưu lượng sử dụng dịch vụ giảm sẽ khiến doanh thu thấp. Ngoài ra, nâng giá cước vận tải là một việc làm rất vất vả của các doanh nghiệp khi phải tính toán lại giá thành, đăng ký giá với cơ quan nhà nước, phát hành vé… Cho nên mặc dù việc tăng giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng tới chi phí đầu vào, nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải cũng phải tự điều tiết, cắt giảm chi phí và có thể chưa tăng giá cước đợt này.

Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Hiện các doanh nghiệp đang rà soát, tính toán các chi phí, để việc điều chỉnh mức cước cho phù hợp, đảm bảo không mất khách hàng và không thiệt hại cho doanh nghiệp.

Tăng cường kiểm soát thị trường

Cước taxi tăng thêm 1.500 đồng /km

5 ngày sau khi giá xăng tăng (từ 11/3), các hãng taxi tại TP.HCM bắt đầu điều chỉnh mức cước thêm 500-1.500 đồng mỗi km. Ở Hà Nội, phí mới áp dụng từ ngày 14/3.

Theo Hiệp hội Taxi TP.HCM, hiện các hãng đã thống nhất mức điều chỉnh giá cước từ 500 đến 1.500 đồng tùy kế hoạch mỗi đơn vị. Giá được áp dụng từ ngày 12/3 để bù đắp chi phí xăng lên 2.100 đồng mỗi lít.

Các doanh nghiệp taxi ở Hà Nội điều chỉnh cước muộn hơn so với TP.HCM. Theo ông Đỗ Quốc Bình, lãnh đạo Hiệp hội taxi Hà Nội, từ đầu tuần sau, các hãng taxi ở thủ đô sẽ đồng loạt tăng giá cước khoảng 1.200 - 1.500 đồng mỗi km. Từ khi có kế hoạch đến lúc áp dụng trên thực tế, doanh nghiệp taxi mất khoảng một tuần để hoàn tất những thủ tục cần thiết như đăng ký giá mới với cơ quan chức năng, lắp đặt và kiểm định đồng hồ...

Từ đầu năm tới nay, giá nhiều mặt hàng thiết yếu như sữa, gas đã có mức tăng khá mạnh. Chỉ trong vòng 3 tháng, giá của mặt hàng gas đã có 4 lần được điều chỉnh tăng và 2 lần điều chỉnh giảm, song tổng hợp lại thì mức tăng của loại nhiên liệu thiết yếu này cũng đã lên tới 100.000 đồng/bình 12 kg. Hiện giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng, tùy theo từng hãng là gần 500.000 đồng/bình 12 kg. Nhiều hộ dân đã chuyển sang dùng bếp than tổ ong để giảm bớt một phần chi phí cho nhiên liệu. Tuy nhiên, giá bán của than tổ ong cũng đã được điều chỉnh tăng thêm khoảng 250.000 đồng/100 viên, lên mức 275.000 - 285.000 đồng/100 viên.

Với các mặt hàng khác, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cũng cho biết: Ngay từ cuối tháng 2/2012, các mặt hàng hóa mỹ phẩm như sữa tắm, dầu gội đầu, nước xả vải... cũng đã tăng từ 5 - 10%, so với giá bán trước đó. Với việc tăng giá mạnh của xăng dầu, sắp tới giá của nhiều hàng hóa sẽ lại “rủ nhau” tăng, dù mức giá hiện nay cũng đã khá cao.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, giá xăng tăng kéo theo việc tăng giá các mặt hàng sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát. Để đối phó với việc tăng giá của các mặt hàng thiết yếu, các cơ quan chức năng cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Nhằm đảm bảo bình ổn giá cả, thị trường, Bộ Công Thương sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường; quản lý, giám sát chặt chẽ và có biện pháp can thiệp kịp thời để kiểm soát, ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá nhằm thu lợi bất chính.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, đơn vị này sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn ngừa việc lợi dụng chủ trương điều hành giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ khác không hợp lý; đồng thời tích cực thực hiện chủ trương tiết kiệm xăng dầu của Chính phủ trong sản xuất và tiêu dùng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đăng ký giá, kê khai giá theo đúng quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.

Đức Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN