Trước khi có dịch COVID-19, thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc có 14 hãng của cả hai nước tham gia khai thác, trong đó có 11 hãng Trung Quốc (tổng tần suất đạt 240 chuyến/chiều/tuần) và 3 hãng nội địa gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air (khai thác 72 đường bay từ 5 điểm tại Việt Nam đến 48 điểm tại Trung Quốc, với tổng tần suất đạt 276 chuyến/chiều/tuần thường lệ và 145 chuyến/tuần/chiều không thường lệ).
Lượng khách trên các đường bay giữa Việt Nam - Trung Quốc thống kê trong năm 2019 đạt khoảng hơn 7,5 triệu khách, trong đó có hơn 4,6 triệu khách do các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển.
Từ ngày 1 - 7/2/2020 (1 tuần sau khi dừng khai thác các chuyến bay đi và đến Trung Quốc), thị trường hàng không Việt Nam đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so cùng kỳ năm 2019, riêng thị trường quốc tế giảm 14,1%). Sản lượng vận chuyển của các hãng không Việt Nam đạt 1,06 triệu khách, giảm 4%, trong đó vận chuyển quốc tế giảm 28% so cùng kỳ năm 2019.
Thực tế này minh chứng rõ nhất cho những thiệt hại mà hàng không Việt Nam phải gánh chịu bởi ảnh hưởng bới dịch COVID-19.
Sau khi có thông tin về dịch COVID-19, từ ngày 23/1, Cục Hàng không Việt Nam đã công bố hủy toàn bộ phép bay khai thác từ Việt Nam đi và đến Vũ Hán (Trung Quốc) và đến ngày 1/2/2020 thì hủy toàn bộ phép bay đã cấp và không cấp phép bay mới cho các hãng hàng không hai nước khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việc cấp phép mới chỉ được thực hiện sau khi được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Việt Nam không thực hiện thủ tục nhập cảnh tại các cửa khẩu hàng không đối với với hành khách không mang quốc tịch Việt Nam đã ở hoặc quá cảnh tại Trung Quốc lục địa trong vòng 14 ngày trước khi đi, đến Việt Nam.
Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc chiếm tới 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế. Việc dừng khai thác thị trường này kéo dài sẽ khiến các hãng hàng không nội địa giảm doanh thu trung bình khoảng 400.000 khách/tháng, chưa kể doanh thu từ nguồn khách này trên các đường bay nội địa. Các hãng hàng không Việt Nam còn phải mất thêm nhiều chi phí liên quan đến việc hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ, chi phí liên quan đến công tác vệ sinh phòng dịch...
Trong năm 2019, lợi nhuận của Vietnam Airlines đạt hơn 3.300 tỷ đồng, của Vietjet là hơn 5.000 tỷ đồng. Việc dừng khai thác bay đến Trung Quốc những tháng đầu năm 2020 và có thể kéo dài sẽ khiến các hãng hàng không trong nước đứng trước nguy cơ sụt giảm doanh thu, lợi nhuận, thậm chí là lợi nhuận âm.
Đánh giá về khả năng phục hồi, đại diện các hãng hàng không nội địa đều cho rằng, để ổn định lại thị trường, phải mất ít nhất khoảng 2 tháng sau khi hết dịch, trong khi chưa biết bao giờ hết dịch.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hãng hàng không duy trì hoạt động khai thác, vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quản lý (giá dịch vụ điều hành bay đi - đến, hạ, cất cánh). Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không có các biện pháp giảm giá, phí do doanh nghiệp quyết định cho các hãng hàng không Việt Nam.