Thứ trưởng đánh giá thế nào về những nội dung trong kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ trong quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn?
Bản thân tôi là người ký các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Quá trình ký các văn bản này đều được thực hiện trên cơ sở ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lúc bấy giờ và đã có nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ. Tôi khẳng định tôi không thoái thác trách nhiệm của bản thân.
Về những kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, tôi cho rằng có thể quan điểm của anh em tham mưu cũng như của tôi trong bối cảnh lúc đó, đặc biệt là hiểu biết về văn bản quy phạm pháp luật chưa thật đầy đủ, ý kiến của anh em có thể phiến diện, chưa đồng bộ, chưa hết. Qua thanh tra, kết luận như vậy, thì bản thân tôi và các đơn vị liên quan sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan sẽ được thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền. Còn việc xử lý hậu quả của quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn sẽ phải phối hợp với các bộ, ngành để giải quyết.
Thứ trưởng có thể chia sẻ bối cảnh mà Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thực hiện cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn cũng như các cảng khác thuộc Vinalines?
Có thể nói thời điểm thực hiện cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn thì Vinalines đang đứng trước nguy cơ phá sản. Thậm chí, vào năm 2012, 2013 Vinalines rơi vào hoàn cảnh nợ đầm đìa, không chỉ nợ các tổ chức tín dụng, Vinalines lúc đó còn nợ các đối tác.
Vì không có tiền trả nợ, nên các tàu của Vinalines ra nước ngoài khai thác đều bị bắt để đòi nợ. Khi đó hàng chục con tàu của Vinalines để cũ nát không khai thác, các thuyền viên không được trả lương có đơn gửi đi khắp nơi kêu cứu.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ phải tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo. Cuối cùng Chính phủ đã phải chỉ đạo Bộ Tài chính cho Vinalines vay 200 tỷ đồng để đi chuộc tàu ở nước ngoài về, sau đó bán tàu thu hồi tiền trả nhà nước.
Ngay bản thân tôi cũng thấy Vinalines lúc đó rất khó khăn, vướng mắc, không có tiền. Trong khi đó, Vinalines thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại các cảng do Vinalines quản lý, Nhà nước cho phép bán 25% cổ phần nhưng kết quả cũng chỉ bán được 2-5% cổ phần và bán với giá rất thấp.
Lãnh đạo bên Vinalines khẳng định sẽ bố trí nguồn lực đủ để mua lại cổ phần đã bán, quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Có thể nói khi chưa có kết luận của Thanh tra Chính phủ về quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, tôi đã chỉ đạo Vinalines chủ động làm việc với nhà đầu tư về các vấn đề liên quan.
Về phía nhà đầu tư, tôi được biết họ đã thống nhất sẽ hoàn trả lại cổ phần để cho Nhà nước chi phối. Vấn đề hiện nay phải bàn là phương thức hoàn trả thế nào để đảm bảo lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhà đầu tư.
Về tài chính của Vinalines lúc này không phải là mạnh, tuy nhiên về khoản tiền mua lại cổ phần chi phối của nhà đầu tư theo tôi là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ cân đối được.
Một số ý kiến cho rằng việc chọn nhà đầu tư chiến lược không đúng, đặc biệt là kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra vấn đề này. Vậy quan điểm của Thứ trưởng ra sao?
Về ý kiến cho rằng chọn nhà đầu chiến lược tại Cảng Quy Nhơn không đúng, tôi cho rằng cách hiểu chưa hết. Bởi để trở thành nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư phải đưa ra một số cam kết. Chúng ta thấy có 5- 6 tiêu chí chẳng hạn, tuy nhiên, theo quy định nhà đầu tư chiến lược chỉ phải thực hiện một trong các tiêu chí đó thôi. Ví dụ nhà đầu tư chiến lược có thể là nhà đầu tư tài chính, họ có thể cam kết về tài chính chứ không nhất thiết nhà đầu tư phải thực hiện một loạt các tiêu chí khác đã đề ra.
Tôi cho rằng, nếu yêu cầu phải thực hiện hết tất cả các tiêu chí thì khó có thể tìm được nhà đầu tư chiến lược hội tụ được đầy đủ yêu cầu đề ra.
Thực tế là 16 cảng do Vinalines quản lý mà chỉ có 4 cảng có cổ đông chiến lược; trong đó có Cảng Quy Nhơn. Còn lại cảng khác như Cảng Hải Phòng, Cảng Đà Nẵng, Cảng Quảng Ninh, Cảng Cam Ranh… không có cổ đông chiến lược.
Chính vì vậy mà Cảng Quảng Ninh chỉ bán được 1,98% cổ phần trong lần bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Cảng Hải Phòng chỉ bán được cao nhất là 5,4% cổ phần và giá cổ phiếu cao nhất của Cảng Hải Phòng bán được chỉ là 13.500 đồng/cổ phiếu.
Còn lại những cảng khác chỉ bán đúng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, Cảng Quảng Ninh bán được có 11.000 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, Cảng Đà Nẵng có nhiều tiềm năng như vậy, trung tâm của miền Trung có thể mạnh về khai thác container mà cũng chỉ bán được hơn 11.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, Cảng Quy Nhơn đã bán được 12.700 đồng/cổ phiếu. Mấu chốt bán được giá là do đã tìm được cổ đông chiến lược.
Sau đó, một số cảng tìm kiếm được cổ đông chiến lược theo kiểu trừ nợ với Vinalines. Nghĩa là đáng nhẽ Vinalines phải trả nợ thì chủ nợ quay lại lấy khoản nợ này đóng góp mua lại cổ phần. Chính vì vậy, những chủ nợ này chấp nhận chuyển đổi với giá cao hơn nếu không thì Vinalines cũng khó trả nợ được.
Ví dụ Cảng Hải Phòng cũng được chủ nợ mua lại cổ phần theo kiểu hoán đổi nợ, Cảng Sài Gòn cũng được 2 đối tác tham gia với tỷ lệ 16% cũng là khấu trừ nợ chứ Vinalines lúc đó không có dòng tiền để trả nợ.
Bối cảnh như vậy, thì tôi đã có đề xuất Thủ tướng Chính phủ về cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Về sau này, cách thức bán cổ phần của Cảng Quy Nhơn cũng đã được các cơ quan trao đổi rất nhiều. Tuy nhiên, như tôi nói ở trên cách hiểu về văn bản quy phạm pháp luật có thể chưa thực sự chính xác.
Nhưng tôi khẳng định anh em không hề cố ý làm sai. Vì những người tham mưu cũng đã nghiên cứu các văn bản pháp luật, thậm chí bản thân tôi cũng đã yêu cầu anh em nghiên cứu kỹ vấn đề này.
Có thể nói theo quy định việc bán cổ phần của Cảng Quy Nhơn trong quy định của pháp luật lúc đó là thẩm quyền của Hội đồng thành viên Vinalines. Tuy nhiên vì Tổng công ty có văn bản nhiều lần xin ý kiến Bộ Giao thông Vận tải, cho nên Vụ Quản lý doanh nghiệp của Bộ có văn bản báo cáo tôi; trong đó đã có việc phê chuẩn của Bộ trưởng.
Ý kiến của Bộ trưởng lúc bây giờ là yêu cầu thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, theo đề xuất của Vinalines và Vụ Quản lý doanh nghiệp. Khi đó, Vinalines có đề xuất Bộ cho làm theo quy định tại theo khoản 5 Điều 84 Luật Doanh nghiệp và Vụ Quản lý doanh nghiệp của Bộ cũng đề xuất làm theo khoản 5 Điều 84 cùng với ý kiến của Bộ trưởng lúc đó thì tôi đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra có vấn đề này, vấn đề kia, nhưng về phía cá nhân tôi, tôi nhận trách nhiệm, thực hiện đúng theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Bản thân nhà đầu tư cũng xác định rõ là doanh nghiệp đã mua theo đúng quy định, bản thân doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư, họ cũng đầu tư nâng cao quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là kết quả sản xuất kinh doanh có tăng lên mấy lần. Do đó, họ có mong muốn là tiếp tục gắn bó lâu dài. Tuy nhiên nếu vì lợi ích quốc gia, nhà đầu tư sẵn sàng chấp hành theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Vậy hướng giải quyết các vấn đề mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra như thế nào. thưa Thứ trưởng?
Tới đây bản thân tôi sẽ có báo cáo giải trình về các vấn đề để cấp trên quyết định với bối cảnh như tôi đã nói ở trên.
Mặc dù đã có Kết luận của Thanh tra Chính phủ gửi tới Bộ nhưng vì Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đi công tác nên chưa phê chuyển cho tôi. Nếu Bộ trưởng chỉ đạo tôi sẽ yêu cầu các đơn vị triển khai đúng theo Kết luận thanh tra.
Từ bài học trong việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Thứ trưởng có đề xuất giải pháp nào về mặt quản lý nhà nước đối với quá trình cổ phần hóa nói chung và cổ phần hóa doanh nghiệp cảng nói riêng?
Thực ra tôi vẫn băn khoăn, trong một số loại hình doanh nghiệp, chúng ta nên xác định một số doanh nghiệp thực sự quan trọng thì Nhà nước giữ quyền chi phối.
Tuy nhiên, tôi cho rằng việc tận dụng kinh nghiệm quản trị của doanh nghiệp tư nhân là rất cần thiết. Tôi lấy ví dụ trước cổ phần hóa Cảng Quảng Ninh được thoái vốn tới 98% cho nhà đầu tư. Trước cổ phần hóa chỉ lãi được 8-9 tỷ đồng nhưng sau cổ phần hóa thì lợi nhuận thu lại được gấp rất nhiều lần trước cổ phần hóa. Rõ ràng kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp tư nhân có những lợi thế của nó.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận những cảng mà tư nhân nắm quyền chi phối có những điểm yếu. Vì vậy, cần có nghiên cứu đề xuất để làm sao vừa tận dụng tối đa kinh nghiệm quản trị của doanh nghiệp tư nhân nhưng những hạ tầng quan trọng Nhà nước vẫn phải nắm giữ nhằm đảm bảo an ninh, quốc phòng. Lợi nhuận lúc đó thì Nhà nước và tư nhân đều được hưởng.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!