Năm 2014, nền kinh tế đối diện với nhiều khó khăn chưa được giải quyết của năm 2013. Theo Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn (ảnh), năm nay, kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội, thách thức đan xen. Để vượt qua cần có sự quyết tâm lớn về chính trị và quyết liệt trong thực thi. Cần phải lựa chọn một số nội dung tái cơ cấu thiết yếu ở các năm 2014, 2015 để có kết quả mang tính hiệu ứng lan tỏa. Sau đây là bài lược ghi ý kiến của ông Vũ Viết Ngoạn về vấn đề này:
Tái cơ cấu bước đầu có kết quả
Năm 2013, điều hành kinh tế của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thể hiện ở chỗ chúng ta đã có quyết tâm cao trong việc chuyển hướng chính sách. Khi xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng XI, chúng ta hướng đến việc tập trung vào tăng trưởng cao. Có thể lúc đó chúng ta chưa lường hết được diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khó khăn, thách thức trong nước.
Tuy nhiên, sau khi nhận ra tình hình, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đã có quyết tâm thay đổi, chuyển từ hướng phục hồi và đẩy nhanh tăng trưởng sang ổn định kinh tế vĩ mô và thậm chí Nghị quyết 11 (ban hành năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội) đã không đề cập đến tăng trưởng. Hay nói cách khác, lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là hàng đầu. Cùng với đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận 02, Quốc hội có Nghị quyết 15 xác định rõ việc điều chỉnh mục tiêu. Bây giờ chúng ta nhìn lại thì có vẻ đơn giản nhưng đứng trong nhịp điệu lúc đó thì mới thấy sự thay đổi hướng chính sách khi Đại hội Đảng XI vừa kết thúc, nghị quyết còn “chưa ráo mực” là hết sức táo bạo. Kết quả phát triển kinh tế giai đoạn 2011 - 2013 cho thấy, đó là sự lựa chọn đúng đắn bởi nếu chần chừ trong việc chuyển hướng mục tiêu thì có thể lạm phát ở mức hai con số, bất ổn vĩ mô vẫn còn.
Ổn định thứ hai là cán cân thanh toán cân đối, từ đó tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Cùng với đó chỉ số tiết kiệm và tiêu dùng cũng đạt được những kết quả quan trọng. Trước đây tiết kiệm nền kinh tế ít, tiêu dùng nhiều hơn nên phải vay nước ngoài thể hiện cán cân vãng lai thâm hụt lớn nay cân bằng, thặng dư. Bên cạnh đó, thị trường tài chính ổn định hơn dù chưa bền vững; tái cơ cấu bước đầu có kết quả tốt thể hiện chỉ số ICOR (đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) trước đây là 6,7 nay chỉ 5,3 lần... Hiệu quả nền kinh tế bước đầu được cải thiện.
Dây chuyền sản xuất điện thoại di động tại Nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Việt Nam. Ảnh: Đức Tám - TTXVN |
Tuy nhiên, tồn tại của nền kinh tế vẫn còn không ít. Thứ nhất là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn, đi liền với đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp. Nếu điều này kéo dài sẽ mang đến nhiều hệ lụy. Điểm tồn tại thứ hai là cân đối ngân sách đang đứng trước thách thức lớn. Nếu thu ngân sách tiếp tục khó khăn thì sẽ dẫn đến những hệ lụy không những của năm 2013 mà của cả những năm tiếp theo trên nhiều phương diện. Chẳng hạn chúng ta sẽ khó khăn trong việc bố trí vốn cho đầu tư phát triển, kéo theo đó là không thúc đẩy được tăng trưởng và quay lại không có nguồn thu; nợ công, nợ Chính phủ có nguy cơ tiệm cận giới hạn an toàn.
Tái cơ cấu để vực dậy nền kinh tế
Về cơ hội thời gian tới, tôi cho rằng đang hết sức lớn nếu tận dụng được ba nhân tố. Thứ nhất, nếu chúng ta tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tạo nền tảng quan trọng, đó là lòng tin lớn cho các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài. Thứ hai là chúng ta đang đàm phán để tiếp tục tham gia hội nhập khi Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với EU... Đây được coi là cấp độ mới của hội nhập mà nhiều chuyên gia từng đánh giá là cơ hội lớn, thậm chí hơn WTO. Thứ ba, nếu như trong 1-2 năm tới, việc tái cơ cấu đạt được những kết quả rõ ràng hơn thì cùng với các nhân tố trên sẽ tạo thành động lực phát triển tốt để Việt Nam sớm phục hồi tốc độ tăng trưởng GDP như trước đây là khoảng 7%. Tất nhiên, ba nhân tố trên là cơ hội nhưng việc chúng ta có nắm bắt được hay không để chuyển thành hiện thực còn là con đường dài phải đi, phải cố gắng hết sức lớn.
Về thách thức: Thứ nhất là việc chúng ta có tạo được sự đồng thuận cao hay không. Trong nền kinh tế thị trường, lòng tin vô cùng quan trọng. Ví dụ như nếu ai cũng nghĩ giá vàng lên, mọi người đổ xô đi mua, giá vàng cũng sẽ “lên thật” và ngược lại. Thứ hai là về tái cơ cấu. Như tôi đã nêu, chúng ta đã có quyết tâm chính trị. Vấn đề là cách thực thi phải quyết liệt bởi “không có cuộc cách mạng nào không đau đớn cả”. Tuy nhiên, thực tế, nhìn trong một số trường hợp, dường như chúng ta chưa đủ quyết tâm, kiên quyết. Cụ thể, trong vấn đề ngân sách. Cân đối đang khó khăn thì chúng ta đừng mong đợi nhiều ở việc làm thế nào để tăng thu mà phải xem xét lại việc quản lý chi tiêu, cơ cấu lại sao cho hợp lý, tiết kiệm. Việc tiết kiệm chi tiêu thường xuyên 10% chỉ mang tính tạm thời còn cơ cấu bên trong thế nào cho hiệu quả là cả một câu chuyện như vấn đề biên chế. Bộ máy hành chính hiện nay có hợp lý hay không, có giảm được nữa hay không? Vừa qua, đã có rất nhiều ý kiến nêu đội ngũ cán bộ công chức mấy chục phần trăm “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Tái cơ cấu phải nhìn vào những yếu tố đó để thay đổi.
Với Việt Nam, giai đoạn này, nếu không đẩy mạnh tái cơ cấu để vực dậy nền kinh tế thì hệ lụy còn kéo dài, chứ không chỉ 1-2 năm. Do đó, cần đẩy mạnh các giải pháp tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Trước mắt trên nền tảng giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta phải đối phó ngay với tình trạng tăng trưởng hiện nay. Nếu chỉ tăng trưởng GDP “lẹt đẹt” khoảng 5% và kéo dài nhiều năm sẽ dẫn đến: Nguồn thu ngân sách không có và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, thiếu việc làm tác động đến tiêu dùng... Tất nhiên, trong thời gian này, chúng ta vẫn phải duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 5,5% trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, không quá nôn nóng nhưng cũng sẽ phải quan tâm đến tăng trưởng. Muốn tăng trưởng hợp lý hiện nay thì phải duy trì tổng cầu, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp, nghĩa là tiêu dùng và đầu tư phải có “sưởi ấm”. Bởi nếu doanh nghiệp không bán được hàng sẽ không sản xuất từ đó không phát triển. Do vậy, cần thiết tăng bội chi ngân sách lên 5,3%, phát hành trái phiếu Chính phủ để tăng đầu tư công vào những lĩnh vực thiết yếu qua đó duy trì tổng cầu ở mức hợp lý. Nếu không có tổng đầu tư xã hội ở mức 30 - 31% GDP sẽ không duy trì được tăng trưởng ở mức cần thiết. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là những giải pháp tình thế để đối phó với tăng trưởng thấp hiện nay.
Về những khuyến nghị cho thời gian tới, tôi lưu ý hai điểm. Thứ nhất là phải xây dựng được kế hoạch ngân sách trung hạn như các nước. Bởi khi xây dựng trung hạn chúng ta mới nhìn được rõ nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia sẽ diễn biến ra sao trong cả một giai đoạn. Thứ hai là trong tái cơ cấu, cần phải lựa chọn một số nội dung thiết yếu trong năm 2014-2015 để có kết quả mang tính hiệu ứng lan tỏa. Cụ thể, đó là khu vực doanh nghiệp nhà nước. Vừa qua, chúng ta đã làm nhưng chưa chạm đến gốc của vấn đề. Đó là chúng ta chưa tách biệt được quản lý nhà nước với đại diện chủ sở hữu. Dù điều này đã được cụ thể hóa trong Luật Doanh nghiệp nhưng đến nay chưa thực hiện được, vẫn có nhiều bộ, ngành tham gia quản lý doanh nghiệp. Chính vì vậy, nên có cơ quan quản lý chuyên biệt về đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, chịu trách nhiệm giám sát, quản lý, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Thu Hường (ghi)