Đại diện một số nhà điều hành thị trường và công ty bảo hiểm chia sẻ: Thị trường bảo hiểm đã tăng trưởng mạnh nhất trong nhiều năm qua, trong đó thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng mạnh nhất trong 10 năm gần đây. “Năm 2006 có thể được xem là một năm khá thành công của Generali Việt Nam. Công ty chúng tôi tiếp tục tăng trưởng cao với doanh thu phí khai thác mới dự kiến tăng khoảng 40% và đạt vị trí thứ 6 trên thị trường về phí quy năm của hợp đồng mới. Đây là những tín hiệu tốt và nền tảng vững chắc để chúng tôi bước vào năm tài chính mới với nhiều kế hoạch và mục tiêu lớn hơn", bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam nói.
Đại diện Manulife Việt Nam cho hay: 2017 sẽ là năm phát triển mạnh của các sản phẩm tiềm năng như bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đầu tư. Năm 2017 cũng sẽ là một năm có nhiều cơ hội cho các công ty bảo hiểm khi hoạt động tại một thị trường có dân số trẻ và tỷ lệ sử dụng Internet trên 44%, nhờ đó có thể kết nối với khách hàng thông qua không gian kỹ thuật số.
Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, mức độ thâm nhập của bảo hiểm tại Việt Nam hiện nay mới đạt khoảng 2% GDP, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,55%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%). Vì vậy không ít doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận: Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức của các công ty bảo hiểm và cơ quan quản lý thị trường.
Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để phát triển vì đất nước đang trên đà tăng trưởng, nhu cầu về bảo hiểm của người dân ngày càng lớn khi mức thu nhập được nâng cao... Hiện tại, quy mô thị trường bảo hiểm nội địa còn rất nhỏ, doanh thu phí bảo hiểm tính trên GDP chỉ đạt khoảng 2,4%. Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, giúp hoạt động kinh doanh tăng trưởng tích cực, bền vững.
Ông Phan Kim Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho hay, nhận thức của người dân và các tổ chức kinh tế về vai trò của bảo hiểm ngày càng được nâng cao sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm. Chưa kể, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt (dự kiến GDP năm 2017 tăng 6,7%), đây là yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường.
Cùng với đó, những chính sách mới của Chính phủ về bảo hiểm, ví dụ bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm thiên tai…sớm được ban hành, sẽ là một yếu tố tích cực vừa thúc đẩy thị trường phát triển vừa tạo ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp bảo hiểm.
“Chúng ta tin tưởng rằng thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Năm 2017, toàn thị trường phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 25% trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và trên 14% trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ”, ông Bằng nói.
“Chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản trị doanh nghiệp, việc áp dụng công nghệ thông tin, cũng như mức độ tin cậy của số liệu thống kê, kế toán tại một số doanh nghiệp còn có những hạn chế. Chưa kể, ngành bảo hiểm chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh. Những tồn tại trên đòi hỏi IAV và các doanh nghiệp bảo hiểm cần sớm tìm ra các giải pháp khắc phục”, ông Bằng nói.