Quang cảnh một công trường xây dựng ở New York, Mỹ ngày 2/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo số liệu thống kê do Bộ Thương mại Mỹ công bố, từ tháng 7 đến tháng 9, kinh tế nước này đạt tốc độ tăng trưởng là 3,3%, mức tăng cao nhất kể từ quý III/2014, đồng thời cao hơn mức dự đoán 3% trước đó và nhỉnh hơn mức tăng 3,1% của quý trước. Với những chỉ số này, đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2014, nền kinh tế số 1 thế giới tăng trưởng từ 3% trở lên trong hai quý liên tiếp.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết tốc độ tăng trưởng ấn tượng trên là nhờ các doanh nghiệp tăng mạnh đầu tư nâng cấp và xây mới hệ thống hạ tầng cơ sở, đầu tư vào phương tiện vận tải và hệ thống phần mềm máy tính cũng tăng 10,4% - mức tăng ấn tượng nhất trong vòng 3 năm qua. Ngoài ra, việc chính quyền liên bang và các bang tăng đầu tư công cũng góp phần không nhỏ vào thành tích tăng trường nói chung. Nếu đà này tiếp tục được duy trì, các chuyên gia kinh tế dự đoán tốc độ tăng trưởng cả năm 2017 của kinh tế Mỹ có thể đạt mức 2,5%, ngang bằng với năm ngoái.
Trong khi đó, trong phiên điều trần trước Ủy ban Kinh tế hỗn hợp của Quốc hội Mỹ cùng ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sắp mãn nhiệm Janet Yellen khẳng định kinh tế Mỹ tăng trưởng đồng đều trong mọi lĩnh vực. Theo bà, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng kinh tế Mỹ tiếp tục đi lên và thị trường lao động sẽ khởi sắc hơn nữa, yếu tố có thể khiến tiền lương tăng sau một thời gian "giậm chân tại chỗ". Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 4,1% - mức thấp nhất trong 17 năm qua.
Chia sẻ quan điểm này, các chuyên gia nhận định nhiều khả năng FED sẽ điều chỉnh lãi suất trong tháng tới và đây sẽ là lần điều chỉnh thứ 3 trong năm nay. Theo ông John Williams, Chủ tịch FED khu vực San Francisco, dự báo FED sẽ có 3 đợt điều chỉnh lãi suất vào năm sau. Ông cho rằng quyết định này là dễ hiểu vì tỷ lệ lãi suất thấp sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế bền vững và thậm chí, có thể dẫn tới suy giảm.
Báo cáo lạc quan về sức tăng trưởng của kinh tế Mỹ đã đưa chỉ số công nghiệp Dow Jones lên mức cao kỷ lục mới trong phiên ngày 29/11, trong khi chỉ số Nasdaq Composite giảm điểm theo sau đợt bán tháo các cổ phiếu công nghệ.
Trên Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4% lên mức cao kỷ lục phiên thứ hai liên tiếp là 23.940, điểm. Tuy nhiên, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lại để mất 1,3%, còn 6.824,39 điểm, và chỉ số S&P 500 giảm 0,1% xuống 2.646,07 điểm.
Giá cổ phiếu của các “ông lớn” như Apple, Alphabet - công ty mẹ của Google và Facebook đều giảm khoảng 2%.