Theo kết quả thăm dò ý kiến các chuyên gia, do hãng tin Reuters của Anh thực hiện, công bố ngày 27/12, tăng trưởng kinh tế của Nga năm 2018 sẽ thấp hơn mức trung bình toàn cầu, do đồng rouble yếu và bấp bênh, giá dầu giảm và hậu quả của gói trừng phạt đầu tiên mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea (Crưm). 17 chuyên gia kinh tế và phân tích trong cuộc thăm dò trên dự báo rằng GDP của Nga sẽ tăng trưởng 1,4% vào năm 2019, sau khi đạt 1,7% trong năm 2018. Các con số này đều thấp hơn mức dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) về tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2018 (3,1%).
Vụ đụng độ hải quân giữa Nga và Ukraine hồi tháng 11 vừa qua khiến một số nước phương Tây kêu gọi tăng cường trừng phạt Moskva. EU phản đối tăng thêm trừng phạt mới, song đã quyết định gia hạn các biện pháp hiện tại nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và ngân hàng của Nga đến giữa năm 2019. Trong năm 2018, Washington đã vài lần đưa ra khả năng tăng trừng phạt chống Nga nhằm vào lĩnh vực nợ công.
Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại Renaissance Capital, ông Oleg Kouzmin nhận định: "Các nguy cơ chính liên quan đến các biện pháp trừng phạt. Năm 2019 sẽ rất khó khăn. Tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong bối cảnh tăng thuế Giá trị gia tăng (VAT), lạm phát và lãi suất cũng tăng".
Nếu Nga áp dụng mức thuế VAT mới đã lên kế hoạch, từ 18% tăng lên 20%, việc này sẽ đẩy lạm pháp giá tiêu dùng lên cao. Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất hai lần trong nửa sau năm 2018 trong một động thái đề phòng, nhằm tránh lạm phát phi mã. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích dự báo lạm phát sẽ vượt quá mục tiêu 4% của Nga và đạt tới mức 5% vào cuối năm 2019.
Bà Tatiana Evdokimova, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của ngân hàng Nordea Bank ở Moskva, nhận định: "Các lệnh trừng phạt cộng với giá dầu thấp có thể khiến đồng rouble tiếp tục mất giá, đẩy lạm phát lên cao". Các chuyên gia cảnh báo đồng rouble cũng sẽ bị sức ép từ kế hoạch của ngân hàng trung ương nối lại hoạt động mua ngoại tệ dự trữ.