Kinh tế thế giới 2016: Thận trọng với thách thức phía trước

Viện nghiên cứu kinh tế-xã hội quốc gia Vương quốc Anh (NIESR) gần đây dự báo kinh tế thế giới trong năm 2015 và 2016 có thể giảm xuống còn lần lượt 3% và 3,5%, so với các ước tính tăng 2% và 3,8% đưa ra trước đó.

Điều đáng lo ngại là xu hướng này có thể dẫn tới một vòng luẩn quẩn trên toàn cầu, kinh tế của các nước phát triển có thể ảnh hưởng xấu tới các thị trường mới nổi. Năm 2015, nền kinh tế thế giới nhìn chung vẫn chưa bước ra khỏi thời kỳ suy giảm, dẫu rằng đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan.

Giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 16/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước tiên là giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua, tác động tiêu cực tới nước xuất khẩu dầu mỏ lớn. Bên cạnh cuộc trả đũa qua lại giữa Nga và phương Tây cũng làm nền kinh tế đôi bên chịu thiệt hại không nhỏ thì kinh tế châu Âu, vốn chưa thoát khỏi khó khăn, lại đối mặt với khủng hoảng di cư từ Trung Đông và Bắc Phi với mức độ nghiêm trọng chưa từng có.

Ngoài ra, một loạt vụ tấn công khủng bố trên thế giới trong năm 2015 đã gióng lên hồi chuông báo động về bất ổn chính trị, an ninh và kinh tế. Dù vậy, thế giới đón nhận những điểm sáng tích cực như các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khép lại trong tháng 10/2015, kết thúc quá trình đàm phán kéo dài hơn 5 năm.

Được coi như một thỏa thuận của thế kỷ, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với 800 triệu dân và chiếm tới 40% thương mại toàn cầu. Và khép lại năm 2015, việc FED lần đầu tiên tăng lãi suất sau gần một thập niên cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có dấu hiệu hồi phục tích cực, mang tới tia hy vọng cho kinh tế thế giới trong các năm tiếp theo.

Vô vàn khó khăn

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2015 ước tính ở mức yếu kém nhất kể từ sau khủng hoảng năm 2009 là do sự giảm tốc của Trung Quốc và giá cả hàng hóa thấp. IMF dự báo kinh tế toàn cầu năm 2015 chỉ tăng khoảng 3,1%, thấp hơn so với dự báo tăng 3,3% đưa ra trước đó.

Nhà kinh tế trưởng IMF Maurice Obstfeld cho rằng sáu năm sau cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ trầm trọng, kinh tế thế giới vẫn chưa thể đạt được nhịp độ tăng trưởng mạnh và đồng bộ. IMF cho rằng sự biến động mạnh hơn của các thị trường trong tháng 8/2015 và sự giảm giá của đồng NDT đã dẫn đến bất ổn và tâm lý xa lánh các tài sản rủi ro. Ngoài ra, bất ổn tại nhiều khu vực trên thế giới cũng đang kìm hãm đà tăng trưởng.

Triển vọng của các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển là khá ảm đạm. Các nền kinh tế này sẽ chứng kiến nhịp độ tăng trưởng chậm hơn nhiều so với 5 năm liên tiếp vừa qua, với tăng trưởng 2015 có thể là 4% so với mức 4,6% trong năm 2014. Ông Obstfeld cho hay hiện nhóm quốc gia này đang đại diện cho hơn 50% GDP toàn cầu và vẫn tạo ra phần lớn đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Các nền kinh tế phát triển như Mỹ và Vương quốc Anh sẽ tiếp tục phục hồi chậm chạp mặc dù nhiều quốc gia vẫn đối mặt với sức ép giảm phát. Kinh tế Mỹ ước tăng trưởng 2,6% năm 2015 và 2,8% trong năm 2016, thấp hơn dự báo tăng 3% đưa ra trước đó.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2015 xuống 0,6% và năm 2016 xuống 1%. Ông Obstfeld nhận định trong tương lai gần, tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn tương đối "trầm" và không đồng đều.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay năm 2015 trở thành năm thứ tư liên tiếp kinh tế toàn cầu có mức tăng trưởng đáng thất vọng. Theo ước tính sơ bộ của WB, kinh tế thế giới năm 2015 ước tăng trưởng 2,8% (giảm so với mức dự báo tăng 3% đưa ra hồi tháng 1/2015).

Còn theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 3/12, nền kinh tế các nước đang phát triển ở châu Á tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, hướng tới mục tiêu tăng 5,8% trong năm nay và 6% trong năm 2016.

Chuyên gia kinh tế của ADB Shang-jin Wei cho hay, tuy tăng trưởng kinh tế thế giới có dấu hiệu đi xuống song nhìn chung triển vọng kinh tế của các nước đang phát triển ở châu Á vẫn sẽ ổn định, do được hỗ trợ bởi sức tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc và xu hướng mở rộng sản xuất của Ấn Độ và các quốc gia khác.

Ngoài ra, ADB cũng thừa nhận rằng hoạt động đầu tư của khu vực trong năm nay vẫn sẽ yếu nên những nỗ lực của các chính phủ và ngân hàng trung ương nhằm ổn định nền kinh tế và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ hữu ích.

Thách thức phía trước


Trong dự báo mới nhất công bố cuối năm 2015, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và không loại trừ một số khu vực có thể rơi vào giảm phát. Theo đó, OECD cho rằng tăng trưởng chung của toàn thế giới chỉ vào khoảng 3,3% năm 2016, từ mức 3,6% trong lần dự báo trước đó.

Điểm đáng chú ý là giới phân tích và dư luận báo chí Pháp cho rằng năm 2016 sẽ là năm có sự phân hóa về tăng trưởng kinh tế trên thế giới với hai xu hướng. Thứ nhất là xu hướng củng cố sự phục hồi của các nước phát triển với mức tăng trưởng trung bình khoảng 2%, so với mức bình quân chỉ hơn 1% trong giai đoạn 2010-2014. Thứ hai là sự giảm tốc mạnh ở các nước mới nổi với mức tăng trưởng sẽ chậm lại chỉ còn khoảng 2,4%, so với mức trung bình 5% trong giai đoạn 2010-2014.

Chuyên gia Ruchir Sharma thuộc Morgan Stanley Investment Management cảnh báo kinh tế thế giới thường có chu kỳ suy thoái mỗi 7-8 năm/lần trong suốt 50 năm qua và nếu tính từ cuộc suy thoái gần đây nhất là năm 2008 thì thời điểm này đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng 7 năm trước khi bước vào suy thoái.

Nhận định trên không phải là thiếu căn cứ khi một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản..., đang chậm lại hoặc có dấu hiệu suy yếu nhất định.

Đặc biệt là sự giảm sút của kinh tế Trung Quốc khiến giới phân tích tỏ ra lo ngại về triển vọng kinh tế thế giới 2015 và thậm chí là 2016 không mấy sáng sủa. Cơ quan Thống kê Trung Quốc cho biết kinh tế nước này trong quý III/2015 tăng trưởng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ 2009.

Tình hình đáng lo ngại hơn khi nhiều dự báo gần đây của các chuyên gia hàng đầu thế giới đều có chung quan điểm kinh tế toàn cầu hiện phải đối mặt với những mối nguy được đánh giá là trầm trọng nhất kể từ khi Ngân hàng đầu tư lớn Lehman Brothers sụp đổ năm 2008.

Một nhận định gần đây của cựu Bộ Trưởng Tài Chính Mỹ Larry Summers cũng gần giống với đánh giá của các chuyên gia của Morgan Stanley Investment Management rằng trong khi các nền kinh tế phát triển đang ở trạng thái “trì trệ thường kỳ” thì ngay cả các nền kinh tế mới nổi, được kỳ vọng là sẽ kéo kinh tế thế giới đi lên lại đang rất kém, thậm chí là sa sút trầm trọng.

Vì vậy, các cơ quan quốc tế lớn như WB, IMF, ADB…, gần đây đều rất thận trọng và lại điều chỉnh các số liệu thấp hơn các con số mà các cơ quan này đã đưa ra trước đây cả trong ngắn hạn và dài hạn đối với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Các nền kinh tế lớn cần có chuẩn bị các chính sách phù hợp để phòng tránh nguy cơ suy giảm và thậm chí khủng hoảng.

Fed tăng lãi suất - Cơ hội lẫn thách thức cho kinh tế thế giới


FED ngày 16/12 đã quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên sau gần một thập niên thêm 0,25 điểm phần trăm lên 0,25-0,5%. Quyết định này hoàn toàn nằm trong dự đoán vì FED đã định hướng suốt 3 tháng qua để cả nền kinh tế Mỹ lẫn các nền kinh tế nước ngoài có thời gian chuẩn bị tiếp nhận mức lãi suất mới.

Tuy nhiên, quyết định này sau khi được công bố, vẫn gây ra những biến động nhất định: giá USD tăng trong khi giá dầu và vàng rớt thê thảm; các cảnh báo về những hậu quả tiêu cực xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông.

Tất cả đều tạo cảm giác về một viễn cảnh kinh tế u ám đang đợi nền kinh tế Mỹ và phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, mức tăng lãi suất nhỏ nhoi 0,25% kéo theo cả tác động tiêu cực lẫn tích cực đối với nền kinh tế Mỹ nói riêng cũng như đối với nền kinh tế thế giới nói chung.

Các cửa hàng ở London giảm giá mạnh nhằm thu hút khách hàng tới mua sắm trong Ngày tặng quà. Ảnh: AFP-TTXVN

Đối tượng bị "hại" nhiều nhất do FED thắt chặt chính sách tiền tệ được cho là tầng lớp trung lưu ở Mỹ. Mỹ tăng lãi suất ngân hàng đồng nghĩa với việc các ngân hàng Mỹ phải chịu chi phí kinh doanh cao hơn, do đó họ sẽ bắt khách hàng phải chịu những mức lãi suất cao hơn khi đi vay tiền. Đối tượng “bị hại” thứ hai là các nhà xuất khẩu Mỹ vì lãi suất tăng cũng khiến đồng bạc xanh thêm hấp dẫn, đổi lại hàng hóa Mỹ sẽ càng bị giảm sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, mức tăng chỉ có 0,25% khó có thể gây tác động đáng kể lên người dân và nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, những tác hại của việc không tăng lãi suất còn lớn hơn là việc tăng lãi suất. Nền kinh tế Mỹ không những đã có những dấu hiệu phục hồi rõ rệt, mà còn đang manh nha dấu hiệu tăng trưởng "ảo".

Một thập niên được hưởng lãi suất thấp khiến người dân Mỹ cũng như giới công ty Mỹ vay nợ lu bù, thị trường bất động sản có dấu hiệu bong bóng... Trong gần 10 năm qua, các công ty Mỹ, thay vì đầu tư cho mở rộng sản xuất, chỉ lo mua bán sáp nhập lẫn nhau và mua lại chính cổ phiếu của mình.

Chỉ riêng trong năm nay, các công ty Mỹ đã vay tới 327 tỷ USD để sáp nhập và mua cổ phiếu doanh nghiệp, cao hơn gấp đôi con số của cả năm 2012. Gánh nặng nợ nần của giới công ty Mỹ hiện tương đương 70% GDP. Do đó, một chính sách điều chỉnh tiền tệ hợp lý sẽ giúp FED làm nguội nền kinh tế Mỹ, và tạo ra sự tăng trưởng bền vững hơn.

Ngoài ra, cũng nên nhìn quyết định tăng lãi suất của FED dưới một lăng kính khác. Nhờ địa vị thống trị của đồng USD, nước Mỹ giống như "két bạc" của thế giới. Để giữ uy tín cho két bạc đó, FED không thể tiếp tục giữ lãi suất ở mức 0 mãi được. Do đó, FED phải tăng lãi suất ở mức chiếu lệ 0,25%, đủ để duy trì niềm tin vào két bạc của thế giới, song không gây ra những xáo trộn cho nền kinh tế Mỹ.

FED nâng lãi suất, kéo theo đồng USD tăng giá, đương nhiên sẽ làm đảo lộn cán cân thanh toán của các đồng nội tệ vốn đang "điêu đứng" tại các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, tác động sẽ là không đáng kể bởi lẽ mức nợ nước ngoài của hầu hết các nền kinh tế này đều thấp hơn so với mức trước khi xảy ra các cuộc khủng hoảng trong quá khứ.

Nhiều nền kinh tế hiện cũng có tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, đóng vai trò như vật đệm để đối phó với các cú sốc, đồng thời có kho dự trữ ngoại hối lớn hơn so với trước đây.

Những quan ngại về các đợt rút vốn ồ ạt khỏi các thị trường mới nổi cũng có phần bị cường điệu. Trên thực tế, mức tăng rất nhỏ 0,25% giúp các nhà đầu tư không phải "đoán giá đoán non" về việc FED có tăng lãi suất hay không thì, nhờ vậy các luồng tiền ra vào các thị trường đang nổi có thể sẽ ổn định trở lại.

Ở một khía cạnh tích cực khác, FED tăng lãi suất sẽ làm “thức tỉnh” các nền kinh tế mới nổi, buộc các chính phủ phải thừa nhận những điểm yếu căn bản của mình và tiến hành các cuộc cải tổ cần thiết. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, số nợ nước ngoài của các khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã tăng tức mức chỉ có 0,53 nghìn tỷ USD trong năm 2008 lên đến 0,872 nghìn tỷ USD trong năm 2004.

Còn đối với toàn bộ các quốc gia đang phát triển, nợ nước ngoài tăng từ 2,9 nghìn tỷ lên lên tới 5,4 nghìn tỷ USD trong thời gian này. Rõ ràng trong suốt một thập niên nới lỏng chính sách tiền tệ, FED đã “tiếp tay” cho các luồn vốn ồ ạt đổ vào những nền kinh tế có lãi suất cao hơn, và dựng lên những lâu đài cát về kinh tế.

Tất nhiên, FED tăng lãi suất sẽ mở ra cả cơ hội lẫn thách thức cho những nền kinh tế đang nổi. Nếu không có những điều chỉnh chính sách tiền tệ kịp thời, đồng đôla mạnh có thể tạo ra sự căng thẳng kinh tế vĩ mô tại những quốc gia đang phải cõng gánh nợ lớn tính bằng USD. Điêu đứng nhất sẽ là Brazil, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela - những nền kinh tế đang gặp khó khăn do quản lý kinh tế tồi, giá hàng hóa lao dốc và sự bất ổn chính trị.

Trong số các nền kinh tế đang nổi ở châu Á, Ấn Độ được đánh giá là có sức đề kháng tốt trước những tác hại do quyết định tăng lãi suất của FED đem lại. Nền kinh tế này vẫn có đà tăng trưởng và có thể phá giá tiền tệ đôi chút mà không gây phương hại cho nền kinh tế nội địa.

Được quan tâm hơn cả là tác động của việc FED tăng lãi suất đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã phát tín hiệu rằng họ sẵn sàng kiểm soát giá trị đồng NDT dựa trên một rổ tiền tệ, thay vì chỉ dựa trên đồng USD.

Đây là một quyết định không ngoan về mặt kinh tế vì như vậy đồng NDT sẽ phần nào tránh được việc phải tăng giá theo đồng USD đúng vào lúc nền kinh tế Trun Quốc đang mất đà tăng trưởng. Tuy nhiên, rủi ro nằm ở chỗ điều này có thể dẫn đến một làn sóng thoái vốn, gây bất ổn định tại khu vực.

FED tăng lãi suất có lẽ là tin vui đối với các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế phát triển khác, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng trung ương Nhật Bản vì những thể chế này đang muốn làm suy yếu đồng nội tệ để vực dậy nền kinh tế trong nước và tăng tỷ lệ lạm phát. Đồng USD tăng giá cũng làm tăng nhu cầu của người dân Mỹ đối với các mặt hàng được sản xuất tại các nền kinh tế hiện đại.

Trong thông báo về quyết định tăng lãi suất hôm 16/12, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, bà Janet Yellen đã tuyên bố rằng FED đặt mục tiêu nâng lãi suất lên 1% trong 1 năm tới. Mục tiêu này được xem là “không tưởng” căn cứ vào điều kiện thực tế của nền kinh tế Mỹ.

Trong nhiều năm trở lại đây nước Mỹ không có nhiều hoạt động chế tạo, chủ yếu là đưa sản xuất ra nước ngoài. Tỷ lệ người dân Mỹ có thu nhập ổn định không cao trong khi dân số đang già lão nhanh chóng. Bởi vậy, nền kinh tế Mỹ cũng như người dân Mỹ sẽ không thể cầm cự được với mức lãi suất 1%.

Mặt khác, FED tăng lãi suất quá mạnh có nguy cơ sẽ đẩy các nền kinh tế đang nổi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng do các nhà đầu tư chuyển vốn về các ngân hàng Mỹ nơi có suất cao hơn, và giá các loại hàng hóa được tính bằng USD (mặt hàng xuất khẩu chính của họ) mất giá ngiêm trọng.

Trong thời đại toàn cầu hóa, khó có quốc gia nào có thể tăng trưởng bền vững trong khi các đối tác của mình lao đao. Theo các chuyên gia kinh tế, trong 1 năm tới có lẽ lãi suất của FED chỉ được nâng lên tối đa là 0,75%. Thậm chí theo một cuộc khảo sát của tờ Nhật báo Phố Wall, hơn một nửa số nhà kinh tế được hỏi dự đoán chẳng sớm thì muộn FED lại đưa lãi suất trở lại mức gần bằng 0.

Anh Quân, Minh Nga (TTXVN)
Giám đốc IMF: Kinh tế thế giới 2016 sẽ "khá thất vọng"
Giám đốc IMF: Kinh tế thế giới 2016 sẽ "khá thất vọng"

Trong bài viết đăng trên nhật báo Handelsblatt của Đức số ra ngày 30/12, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde dự đoán triển vọng phát triển kinh tế thế giới năm 2016 sẽ “khá thất vọng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN