Giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhận định này được đưa ra trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới năm 2016 do tổ chức kinh tế danh tiếng Conference Board có trụ sở tại New York (Mỹ) công bố ngày 9/11.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, Conference Board dự đoán trong năm 2016, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới chỉ đạt 2,8%, mức tăng rất khiêm tốn so với mức 2,5% dự kiến của năm 2015.
Con số này là rất nhỏ nhoi so với mức tăng trưởng hàng năm thường đạt trên 4% của những năm giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 và tốc độ tăng trưởng trung bình 3,3% trong giai đoạn 2010-2014.
Không chỉ tăng trưởng ì ạch, kinh tế thế giới còn đứng trước tương lai khá bấp bênh do sự hội tụ của nhiều mối đe dọa có thể kéo tụt sự tăng trưởng toàn cầu thậm chí xuống chỉ còn 1,9%.
Nhà Kinh tế trưởng Bart van Ark, Phó Chủ tịch Điều hành Conference Board, cho biết nền kinh tế thế giới đang mắc kẹt trong trạng thái "đứng yên chờ hạ cánh" do sự kết hợp của hàng loạt nhân tố cả tích cực lẫn tiêu cực.
Báo cáo chỉ ra một số nghịch lý của nền kinh tế thế giới như có rất nhiều cơ hội để đổi mới công nghệ song lại thiếu lòng tin kinh doanh để tăng cường đầu tư; tốc độ tăng trưởng năng suất yếu song các chính phủ và các công ty lại chưa giải quyết được những thách thức đến từ các thỏa thuận thương mại toàn cầu, làn sóng người nhập cư, môi trường, và tình trạng bất bình đẳng.
Trong khi tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển chủ yếu phụ thuộc và nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, các thị trường lao động và nhà ở thì tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi tiếp tục phụ thuộc vào sự lên xuống của giá hàng hóa và năng lượng cũng như luồng vốn đầu tư từ bên ngoài.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về những thách thức đang đặt ra đối với các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, nhà kinh tế trưởng Bart van Ark, đồng tác giả của báo cáo trên, nhận định: “Sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu có nghĩa là tiềm tăng cho các nền kinh tế đang nổi như Việt Nam đẩy nhanh tăng trưởng nhờ xuất khẩu sẽ bị hạn chế. Thêm vào đó, việc Mỹ sẽ tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ lãi suất và chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế đang nổi, trong đó có Việt Nam".
"Do đó, thay vì trông đợi vào các nền kinh tế bên ngoài, các nền kinh tế đang nổi như Việt Nam cần tập trung vào nền kinh tế nội địa, bảo đảm rằng có một sự ổn định trong nền kinh tế, theo đó, thu nhập của người dân được thúc đẩy bởi hoạt động kinh doanh tốt hơn, giúp mang lại mức lương cao hơn, tạo ra sức mua lớn hơn, và mang lại mức tăng trưởng cao hơn", ông Bart van Ark cho hay.
Ngoài ra, ông Bart van Ark cũng bổ sung: "Tôi cho rằng chúng ta phải chấp nhận thực tế là đối với các nền kinh tế đang nổi, tăng trưởng không còn tiếp tục đơn thuần dựa vào sức tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, mà nó sẽ dựa vào tầng lớp trung lưu cũng như tăng trưởng tiêu dùng trong chính nội tại nền kinh tế”.
Theo dự đoán của Conference Board, trong thời gian trung hạn, việc tăng cường áp dụng công nghệ và đổi mới sản xuất có thể giúp tốc độ tăng trưởng toàn cầu tăng đôi chút, đạt mức trung bình 3,1% trong giai đoạn 2016-20. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng hàng năm có thể quay đầu giảm xuống còn 2,8% trong giai đoạn 2021-25, do dân số lão hóa dẫn đến lực lượng lao động mỏng tại tất cả các nền kinh tế chủ chốt.
Báo cáo nhấn mạnh rằng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước ngã ba đường, bắt buộc phải lựa chọn ngã rẽ mới, thì hàng loạt nền kinh tế chủ chốt từ Bắc Kinh tới Brussels, và kể cả Washington, vẫn đang duy trì những chính sách kinh tế "cổ hủ".
Do đó Conference Board khẳng định việc chọn lựa ngã rẽ nào sẽ quyết định sự tăng trưởng của thế giới trong 10 năm tới. Ông Ataman Ozyidirim, Giám đốc nghiên cứu về các chu kỳ kinh doanh và tăng trưởng của Conference Board, nhận định: "Thế giới khó có thể sớm trở lại thời kỳ bùng nổ tăng trưởng như đã từng sau thời kỳ Đại suy thoái. Mô hình tăng trưởng hiện nay gợi nhớ lại thập niên 1980 của thế kỷ trước, khi đó các nền kinh tế chủ chốt đã phải tiến hành cải cách và cơ cấu lại vì những mô hình tăng trưởng của họ đã trở nên lỗi thời. Giờ đây, các công ty nói riêng và các quốc gia nói chung một lần nữa lại cần phải đề ra những chiến lược mới đầy táo bạo thì mới có thể phát triển trong môi trường mới".
Triển vọng kinh tế thế giới năm 2016 ước tính tốc độ tăng trưởng GDP đồng thời phân tích 11 khu vực chủ chốt và 65 nền kinh tế (gồm 33 nền kinh tế đã phát triển và 23 mới nổi) trong ba giai đoạn 2016, 2016-2020 và 2021-2025.
Báo cáo này đưa ra dự đoán cụ thể cho hai nhóm nền kinh tế đã phát triển và đang phát triển như sau: Các nền kinh tế đã phát triển dự kiến tăng trưởng 2,1% trong năm 2016, đạt mức trung bình 2,1% trong giai đoạn 2016-2020 và 1,8% trong giai đoạn 2021-2025.
Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến đạt mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2015, cao hơn chưa tới 1 điểm so với các nền kinh tế phát triển (trước đây, nhóm nền kinh tế non trẻ này thường tăng trưởng cao hơn các nền kinh tế "già cả" từ 4-5 điểm).
Điều này phản ánh thực tế nhiều thị trường đang phát triển chủ chốt đang phải hứng chịu dồn dập những cơn gió ngược đến từ bên ngoài lẫn tự tạo ra ở bên trong. Sang năm 2016, các nền kinh tế mới nổi sẽ có sự cải thiện đôi chút, có thể tăng trưởng 3,5% và tình hình sẽ theo chiều hướng tốt dần lên, đạt mức tăng trưởng trung bình 4% trong giai đoạn 2016-2020, trước khi quay đầu giảm xuống còn 3,6% trong giai đoạn 2021-2025.
Được thành lập vào năm 1916, Conference Board là một tổ chức nghiên cứu độc lập, cộng tác với gần 1.200 công ty quốc doanh và tư nhân cùng nhiều tổ chức khác tại 60 quốc gia. Các hoạt động của Conference Board bao gồm tổ chức hội nghị, tiến hành các nghiên cứu về quản trị kinh doanh và kinh tế, và công bố một vài chỉ số kinh tế rất được dư luận quan tâm.