Ngày 27/6, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã công bố số liệu thống kê kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2014. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK khẳng định: Nền kinh tế Việt Nam đã chính thức thoát đáy với những chỉ tiêu đang có dấu hiệu phục hồi.
Khởi sắc
Đại diện TCTK cho biết: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm nay tăng 5,18% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng phương tiện thanh toán tăng 6,37%; xuất khẩu hàng hóa tăng 14,9%; tỷ giá ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối tăng nhanh. Trong mức tăng 5,18% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,33%; khu vực dịch vụ tăng 6,01%.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH May Hưng Nhân trong khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Danh Lam - TTXVN |
Theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia (TCTK), kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm tuy còn khó khăn, còn thách thức từ nội tại nền kinh tế cũng như những tác động khách quan từ bên ngoài, song tăng trưởng và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vẫn ổn định và có dấu hiệu hồi phục. Minh chứng rõ nhất là năng lực doanh nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013. Tại thời điểm 1/6, chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp cũng đạt mức tăng 2,7% so với cùng thời điểm năm trước.
“Kinh tế Việt Nam đang trải qua những cung bậc cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Kinh tế 4 tháng đang có xu hướng hồi phục nhưng việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam hồi đầu tháng 5 đã tác động nhất định đến nền kinh tế trong tháng 5 và tháng 6/2014. Việc một số người dân quá khích đập phá hơn 800 doanh nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh; việc Trung Quốc và Hồng Kông hoãn hàng trăm chuyến bay đến Việt Nam... làm nhịp tăng trưởng kinh tế chậm lại nhưng không lớn”, đại diện TCTK cho biết.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, một chuyên gia kinh tế phân tích: Xét về mặt sử dụng GDP, các yếu tố như: Tiêu dùng, tích lũy, xuất nhập khẩu thì tiêu dùng và tích lũy trong 6 tháng đầu năm nay đã có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tiêu dùng tăng 5,19% (năm 2013 tăng 4,%). Điều này cho thấy, tình hình kinh tế đã có sự ổn định, tăng trưởng tuy chưa đạt mức cao nhưng đã có dấu hiệu hồi phục, người dân đã chịu mở hầu bao chi cho tiêu dùng. Tích lũy tài sản 6 tháng tăng 5,80% (năm 2013 tăng 3,69%). Mặc dù nhiều doanh nghiệp bị phá sản song đầu tư vẫn tăng hơn so với năm 2013. Mức tăng xuất nhập khẩu tuy thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2013 do ảnh hưởng của tình hình Biển Đông song vẫn đạt trên 10%.
Khó đạt mục tiêu tăng trưởng
Ông Hà Quang Tuyến cho biết: Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2014 là 5,8% thì 6 tháng cuối năm phải tăng 6,25%. “Nhìn lại lịch sử, từ năm 2011 trở về trước, tăng trưởng kinh tế của 6 tháng cuối năm đã từng đạt được mức cao hơn 6,25%; nhưng 6 tháng cuối năm 2012 chỉ tăng 5,49% và 6 tháng cuối năm 2013 chỉ đạt 5,82%. Đặt nền kinh tế Việt Nam năm 2014 trong bối cảnh của những tác động mới thì 6 tháng cuối năm nay sẽ khó đạt được mức tăng trưởng 6,25% và cả năm khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% mà Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, chúng ta có thể kỳ vọng, khi tổng cầu ngưng trệ hoặc FDI giảm, thậm chí xuất nhập khẩu cũng giảm, nếu Việt Nam có giải pháp đột phá trong điều hành và chính sách thì tăng trưởng kinh tế vẫn có thể đạt mục tiêu đề ra”, lãnh đạo Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia nhận xét.
Theo TCTK, dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2014 chỉ tăng khoảng 5,5 - 5,6%, lạm phát giữ ở mức dưới 6%. Để đạt được mức tăng trên, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần nhanh chóng xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng; sắp xếp lại các ngân hàng yếu kém; tiếp tục giảm lãi suất; giảm các thủ tục hành chính nhằm giúp doanh nghiệp, người dân tiếp cận được nguồn vốn dồi dào còn đang ứ đọng trong các ngân hàng; tạo cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư của khu vực ngoài nhà nước; ổn định chính trị, giải quyết ổn thỏa các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh... tạo lòng tin cho các doanh nghiệp FDI, hướng nguồn vốn FDI vào các khu vực, ngành tạo ra giá trị gia tăng cao, có sức lan tỏa lớn đến nền kinh tế.
Đại diện Trung tâm Thông tin công nghiệp thương mại (Bộ Công Thương) cũng đề xuất: Các bộ, ban, ngành liên quan cần giúp đỡ, định hướng cho các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu thay thế, tìm nguồn nguyên liệu thay thế nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc; cần có chính sách hỗ trợ để phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, đáp ứng nguồn nguyên liệu ổn định lâu dài.
Minh Phương