Báo cáo hàng năm về Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 (WESP) của Liên hợp quốc (LHQ), vừa công bố ngày 18/12, nhận định kinh tế thế giới sẽ cải thiện trong năm 2014, song vẫn đi trên con đường khá "gập ghềnh".Báo cáo dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% năm 2014 và 3,3% năm 2015, cao hơn mức tăng trưởng ước khoảng 2,1% trong năm 2013. Các chuyên gia của LHQ tỏ ra lạc quan hơn vào triển vọng kinh tế thế giới trong bối cảnh Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) thoát khỏi suy thoái và tăng trưởng kinh tế của Mỹ mạnh lên (ước tăng khoảng 2,5% năm 2014).
Một số nền kinh tế đang nổi, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc, cũng hãm được đà giảm tốc kéo dài trong hai năm qua và đang dần lấy lại đà tăng trưởng. LHQ đánh giá tổng thể rằng tất cả những yếu tố này tạo đà tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu trong năm 2014.
Cụ thể, mặc dù khu vực Tây Âu thoát khỏi suy thoái trong năm 2013, nhưng triển vọng tăng trưởng vẫn yếu do phải tiếp tục áp dụng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Khu vực này dự báo tăng trưởng 1,5% năm 2014. Kinh tế Nhật Bản cải thiện và dự báo tăng khoảng 1,5% năm 2014 nhờ các gói kích thích tăng trưởng của chính phủ.
Tuy nhiên, tác động của chương trình cải cách vẫn bấp bênh và việc chính phủ tăng thuế tiêu dùng từ tháng 4/2014 dự đoán sẽ kiềm chế đà tăng trưởng của "đất nước Mặt Trời mọc". Kinh tế Trung Quốc dự báo sẽ duy trì nhịp độ tăng trưởng khoảng 7,5% trong vài năm tới, trong khi tăng trưởng kinh tế Ấn Độ sẽ hồi phục lên mức trên 5% trong năm 2014.
Trong số các nền kinh tế đang phát triển, triển vọng của châu Phi được đánh giá tương đối sáng sủa với GDP ước đoán tăng 4,7% trong năm 2014, so với mức 4% năm 2013. Tuy nhiên, WESP cũng lưu ý rằng kinh tế châu Phi hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn đầu tư của các nền kinh tế mới nổi đối với cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư.
LHQ cho rằng lạm phát trên toàn thế giới ở mức vừa phải, song tạo việc làm không phải là việc dễ làm. Thương mại quốc tế được dự báo sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2014. Giá cả hầu hết các loại nguyên liệu thô vẫn ổn định mặc dù những biến động bất ngờ liên quan đến nguồn cung có thể xảy ra, kể cả những xung đột địa chính trị có khả năng đẩy giá các mặt hàng này lên cao hơn. WESP cảnh báo các dòng chảy vốn quốc tế vào các nền kinh tế mới nổi cũng trở nên thiếu ổn định.
Bên cạnh đó, hiện tiềm ẩn những rủi ro xuất phát từ việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) rút lại chương trình nới lỏng định lượng mà FED áp dụng trong những năm gần đây để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Báo cáo này được công bố trước khi FED tuyên bố sẽ giảm quy mô chương trình mua trái phiếu từ 85 tỷ USD/tháng xuống 75 tỷ USD từ tháng 1/2014 và có thể sẽ tiến hành các bước cắt giảm đều đặn trong các cuộc họp tới nếu nền kinh tế tiếp tục cải thiện.
LHQ nhận định động thái này có thể dẫn tới sự gia tăng mạnh về lãi suất trong dài hạn, đồng thời cũng không loại trừ khả năng bán tháo cổ phiếu và thoái lui vốn khỏi các thị trường mới nổi. Các nền kinh tế mới nổi cũng sẽ đối mặt với nhiều cứ sốc bên ngoài hơn với quyết định nói trên của FED.
Như Mai (theo AFP/THX)