Theo CFLP, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đạt mức 51,4 trong tháng 12/2016, cao hơn so với mức 49,7 của cùng kỳ năm 2015, nhưng vẫn thấp hơn so với mức 51,7 của tháng 11/2016.
Bất chấp khởi đầu không thuận lợi, lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đã “tăng tốc” trong năm 2016 và là một dấu hiệu đáng mừng cho nền kinh tế này, nơi sức tăng trưởng GDP đã dần “giảm nhiệt” trong sáu năm qua.
Kinh tế Trung Quốc dự kiến đạt mức tăng 6,5-7% cho cả năm 2016 nhờ chi tiêu chính phủ cao, thị trường nhà ở bùng nổ và hoạt động cho vay của các ngân hàng tăng mạnh.
Tuy nhiên, nợ ngày càng tăng và các mối quan ngại về bong bóng bất động sản đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận về việc liệu Trung Quốc có nên chấp nhận tăng trưởng chậm lại trong năm 2017 để “mở đường” cho các biện pháp cải cách "gây đau đớn" nhằm giảm nợ và hạn chế tình trạng dư thừa công suất.
Hiện Bắc Kinh đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ phụ thuộc vào xuất khẩu và các ngành công nghiệp nặng sang tiêu dùng. Tuy nhiên, quá trình này vẫn đang vấp phải nhiều khó khăn. Tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc được Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) dự báo sẽ giảm từ mức 10% trong năm 2016 xuống 9,5% năm 2017.