Bà Maria Stanislavovna Zelenkova trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN.
|
Dưới đây là nội dung buổi phỏng vấn:
Bà có thể đánh giá một cách ngắn gọn về tình hình phát triển của nền kinh tế Việt Nam?Theo tôi, tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay khá ổn định. Chúng tôi đánh giá Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển đã đối phó thành công với các thách thức của khủng hoảng. Năm 2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng trưởng 6,6%. Và đó là kết quả của việc đất nước đã mở rộng được các quan hệ kinh tế và hiện nay số đối tác của Việt Nam đã lên tới con số hơn 200 quốc gia. Một nhân tố tác động tích cực khác, theo tôi là đất nước đã chuyển từ kinh tế nông nghiệp và công nghiệp nhẹ sang phát triển công nghiệp nặng, cũng như phát triển khoa học - công nghệ.
Bà dự đoán như thế nào về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới? Và theo bà, Việt Nam cần triển khai những biện pháp gì để duy trì sự phát triển này?Các chuyên gia đều nhất trí cho rằng, nền kinh tế Việt nam đang có triển vọng rất tích cực. Song nếu muốn cải thiện về chất tình hình kinh tế thì Việt Nam nên chú trọng phát triển công nghệ mới và các ngành kinh tế mới, ví dụ như ngành năng lượng nguyên tử. Trong thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sự chuyển mình rất tốt, và đã vượt ra ngoài một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp như trước kia. Công nghiệp nhẹ và một bộ phận của nền công nghiệp nặng tại Việt Nam đã đạt đến trình độ cần thiết. Cụ thể như việc gần đây Việt Nam đã đóng được tàu biển cho Nga, con tàu đó sẽ được vận hành tại thành phố Arkhalgensk của LB Nga. Đó là bằng chứng cho thấy đất nước các bạn đã lên được một tầm cao phát triển mới.
Còn về phát triển năng lượng nguyên tử mà tôi nhắc tới ở trên, Việt Nam có Nga - quốc gia nắm giữ công nghệ hàng đầu thế giới về lĩnh vực này, là đối tác. Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin vào sự hỗ trợ từ phía Nga, bao gồm đào tạo nhân sự. Hai bên hiện đang thống nhất với nhau về thiết kế nhà máy điện nguyên tử, các cơ sở pháp lý cũng như vật chất cho dự án cũng đang được xây dựng. Vì vậy tôi tin tưởng rằng năng lượng nguyên tử sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam.
Còn trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam đang có sức hấp dẫn khá lớn đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài. Và tôi muốn nhấn mạnh rằng, sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam không chỉ ở lực lượng lao động có tay nghề, mà còn ở chính sách hợp lý của nhà nước. Trong những năm gần đây, các bạn đã soạn thảo và thông qua hàng loạt luật về đầu tư, về bất động sản, về kinh doanh. Nhà nước đã chứng tỏ được vai trò nhà điều phối của mình, và cho thấy các vấn đề kinh doanh được giải quyết ở cấp cao nhất. Đó chính là sự đảm bảo cần thiết cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài muốn vào châu Á, và cụ thể là vào Đông Nam Á. Chính nhờ chính sách của nhà nước mà Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất không chỉ ở Đông Nam Á, mà còn ở châu Á nói chung.
Ngày 5/10 tới, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) sẽ chính thức có hiệu lực. Vậy theo bà, hiệp định này sẽ mang đến những điểm cộng và điểm trừ gì đối với nền kinh tế Việt Nam?Theo tôi, hiệp định về thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Thứ nhất, về hàm lượng kinh tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vượt trội với đa số các nước thành viên khác trong EAEU. Điều đó cho phép Việt Nam tham gia vào hiệp định không phải như một thành viên thứ yếu, mà như một thành viên chủ chốt. Thứ hai, nền kinh tế Việt nam tương đương với gần một nửa giá trị nền kinh tế của toàn bộ EAEU, và điều này mang đến cho đất nước các bạn một ưu thế không thể bàn cãi. Và thứ ba, trình độ phát triển của kinh tế Việt Nam cho thấy họ có thể tham gia vào hiệp định không chỉ một đối tác thương mại, mà còn như một nhà đầu tư, thậm chí như một thủ lĩnh công nghệ, đủ khả năng cạnh tranh với nhiều nước khác.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải sẵn sàng cạnh tranh, và các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung nỗ lực hết sức, mạnh dạn hơn nữa để bước vào thị trường EAEU với tư cách một nhà đầu tư. Tôi nghĩ rằng, các bạn hoàn toàn có đủ khả năng cạnh tranh nhờ vào các cơ cấu bổ sung lẫn nhau hiện có trong Hiệp định.
Vâng, xin cám ơn bà đã trả lời phỏng vấn của TTXVN.