Tại Chợ hoa xuân Tân Sửu 2021 thành phố Cao Lãnh, những chậu nho trĩu quả độc, lạ của anh Lê Hồng Xuân ở cù lao xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, anh Xuân kể, nho được biết đến là loại trái cây đặc sản ở tỉnh Ninh Thuận và cũng là giống cây khá khó tính. Thế nhưng, bằng niềm đam mê và chịu khó nghiên cứu, học hỏi, anh nông dân Đồng Tháp - Lê Hồng Xuân đã "biến" hơn 200 gốc nho đỏ xứ Ninh Thuận bén rễ và phát triển rất tốt trên vùng đất sen hồng.
Theo anh Xuân, thông thường các bệnh trên cây nho đỏ chỉ xuất hiện vào mùa mưa nên chỉ cần phải dùng thuốc sinh học để phòng bệnh trước. Đặc biệt, do là loại cây ưa nắng nên khi trồng chú ý đến việc tưới nước cho cây, chỉ tưới nước vừa đủ vào thân cây, đồng thời cắt tỉa cành thường xuyên, tạo độ thông thoáng thì cây sẽ phát triển tốt, tránh gây vàng lá.
Mặc dù mới thử nghiệm trồng nho hơn 1 năm nhưng anh Xuân cũng đã mạnh dạn thử nghiệm cho 50 gốc nho "lên chậu” để phục vụ thị Tết Nguyên đán Tân Sửu cho khách hàng. Anh Xuân cho biết, nho được tạo dáng bonsai, phù hợp với những khu vườn có diện tích nhỏ vừa tạo bóng mát. Nho trĩu quả vừa mang ý nghĩa sung túc và sum vầy ngày tết. Mỗi chậu thường có từ 1 hoặc 2 gốc, hơn 1 năm tuổi và được tạo dáng theo khung giá đỡ. Khác với nho trồng trực tiếp trên đất, đưa nho lên chậu đòi hỏi công chăm sóc và kỹ thuật bón, nước tưới phân phải đúng - chuẩn.
Thêm vào đó, việc tỉa cành, tạo tán cho cây để cây vừa có dáng - thế đẹp, đồng thời trĩu quả đúng vào dịp tết là cả một quá trình. Hiện tại, mỗi chậu nho trĩu quả, được anh Xuân chào bán với giá dao động từ 1,5 - 4 triệu đồng.
Còn tại huyện biên giới Hồng Ngự, thời điểm này, khuôn viên ba nhà màn 1.500 m2 trồng dưa lưới của Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười của các nông dân, bởi những ngày họ “tăng ca” để khắc chữ theo đơn đặt trước cho khách hàng.
Ông Dương Minh Sang, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận cho biết, để phục vụ thị trường Tết Tân Sửu năm nay, đơn vị cung cấp khoảng 4.000 trái dưa lưới sạch, trong đó có 180 cặp dưa lưới khắc chữ mang ý nghĩa may mắn trong dịp tết như: tài - lộc - phú quý, với giá bán 400.000 đồng/cặp.
Giám đốc Hợp tác xã nói thêm, đây là giống dưa lưới vỏ xanh ruột cam, độ ngọt cao. Để làm ra những trái dưa lưới đẹp phải đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và kỹ thuật cao. Tùy từng giai đoạn sẽ yêu cầu về những kỹ thuật khác nhau. Chẳng hạn, trong giai đoạn cắt tuyển trái non, mỗi cây chỉ nên chọn một trái có độ tròn đều, cuốn khỏe để đảm bảo chất lượng sản phẩm cuối cùng.
Đặc biệt, phải biết lựa chọn thời điểm thích hợp để khắc; quá trình khắc từng nét chữ phải thật khéo léo, vì khó nhất đối với mặt hàng trưng tết này là dưa dễ bị nứt, nét khắc không đều tay dễ bị hư hình hoặc kém đẹp.
Mặt khác, so với dưa lưới thông thường, dưa khắc chữ cần nhiều ánh sáng để màu chữ được đẹp, màng lưới dày dặn hơn. Một quả dưa đạt tiêu chuẩn phải tròn đều, lưới dày, màu đẹp, trọng lượng trái đạt từ 1,2kg - 1,5kg.
Chuyển đổi 3.000 m2 từ cây quýt đường bị bệnh vàng lá thối rễ sang canh tác cây bưởi da xanh theo hướng hữu cơ, với sự sáng tạo và kỳ vọng, nông dân Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 1982) ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò đã tạo hình ép khuôn những quả bưởi da xanh thành những thỏi vàng Tài - Lộc. Đến thời điểm này, 200 cặp bưởi da xanh được tạo hình “thỏi vàng Tài - Lộc” của anh Hoàng đã "cháy hàng", dù còn đến hơn 20 ngày nữa mới thu hoạch. Giá bán mỗi cặp từ 1,5 triệu đồng.
Theo anh Hoàng, một quả bưởi da xanh thường có trọng lượng khá lớn từ khoảng 2kg. Do đó, tạo hình đòi hỏi phải có khuôn cố định với sức nén cực đại thì bưởi mới ra hình như mong muốn. Để có được sản phẩm độc lạ này, khi bưởi được khoảng 4 tháng thì bắt đầu cho vào khuôn nén. Quá trình này hoàn tất, quả bưởi được tạo hình sẽ được nén còn khoảng 1,5kg.
Anh Hoàng chia sẻ, mỗi quả bưởi hình thỏi vàng sẽ có chữ Tài - Lộc nổi ở hai mặt. Ngoài công đoạn nén tạo hình, việc thực hiện để cho ra được một quả bưởi có hình thỏi vàng với chữ “Tài”, “Lộc” còn phụ thuộc khá lớn vào khâu chăm sóc tỉ mỉ và công phu của nhà nông.
Anh kể, từ năm 2019, anh bắt tay vào thử nghiệm tạo hình sản phẩm nhưng kết quả không như mong muốn, quả bị hỏng nhiều. Bởi, đặc thù bưởi da xanh là vỏ mỏng; thêm vào đó, từ môi trường tự nhiên thoáng khí, trái được đưa vào khuôn - môi trường kín, bưởi dễ bị vi khuẩn tấn công. Đặc biệt, trong thời tiết lạnh như hiện nay, quả bưởi dễ bệnh khô đầu cuống dễ rụng trái.
Ngoài sản phẩm bưởi thỏi vàng Tài - Lộc, Tết Nguyên đán năm nay, nông dân Nguyễn Văn Hoàng còn cung cấp thị trường tết khoảng 2 -3 tấn quả, mỗi quả có trọng lượng 1,6 - 2kg được trồng theo hướng hữu cơ và đều được bao trái.
Anh Hoàng thông tin, trái cây phục vụ thị trường Tết luôn đòi hỏi cao mẫu mã đẹp, ý nghĩa; song song đó, tiêu chuẩn sạch, an toàn đảm bảo chất lượng dần trở thành thị hiếu của người tiêu dùng. Nếu nông dân tuân thủ quy trình sản xuất sạch, an toàn sẽ đảm bảo được đầu ta, tăng lợi nhuận cho người sản xuất.