Theo FTSE Russel, hiện Việt Nam mới chỉ thỏa mãn 7/9 yếu tố để có thể được nâng hạng; trong đó, có 2 yếu tố cần phải cải thiện là "Thanh toán - ít khi xảy ra giao dịch thất bại" và "Thanh toán bù trừ – T+2/T+3". FTSE Russell đánh giá sự hợp tác cơ quan quản lý thị trường Việt Nam trong 12 tháng qua và sẽ xem xét khả năng nâng hạng tại kỳ đánh giá thường niên vào tháng 9 năm sau. Điều này đồng nghĩa với cơ hội nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam phải chờ đến năm 2020 với FTSE và năm 2021 với MSCI (viết tắt của Morgan Stanley Capital International. MSCI Inc, trụ sở tại New York, là công ty uy tín trong lĩnh vực cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính, và xây dựng các chỉ số tham chiếu cho các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu để đo lường hiệu quả hoạt động đầu tư).
Kết quả đánh giá trên không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia phân tích trong lĩnh vực chứng khoán. Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được FTSE Russell xét nâng hạng, vì vướng liên quan đến yếu tố mang tính kỹ thuật là chính. Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với các tiêu chí, yêu cầu mà tổ chức xét nâng hạng đề ra.
Nhiều khảo sát, nghiên cứu cho thấy, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút dòng vốn mạnh mẽ hơn từ các quỹ đầu tư lớn, nhất là các quỹ đầu tư chỉ giao dịch với bộ chỉ số của thị trường mới nổi. Bên cạnh đó, uy tín của việc nâng hạng cũng tạo dựng niềm tin để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Phương cho rằng, tuy việc nâng hạng là cần thiết để hút thêm nhà đầu tư ngoại, song chưa phải là yếu tố bức bách hiện nay của thị trường. Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang vận hành tốt, nhưng cũng cần thêm thời gian hoàn thiện, để thị trường hoạt động vững chắc, minh bạch hơn và có thêm nhiều sản phẩm hỗ trợ. Đặc biệt, vẫn còn rất nhiều tổng công ty, doanh nghiệp lớn chưa lên sàn như Mobifone, Vinafone... mà khi niêm yết chắc chắn sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư ngoại.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), mặc dù trong vài tháng gần đây, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trên cả hai sàn HSX và HNX. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2019, khối ngoại đang sở hữu khoảng 20% vốn hóa toàn thị trường và duy trì mua ròng khoảng 360 triệu USD. Việt Nam vẫn là quốc gia hiếm hoi trong khu vực thu hút hoạt động mua ròng của khối ngoại.
Ngoài hoạt động mua ròng vào qua thỏa thuận, các quỹ ETF (Quỹ hoán đổi danh mục – hình thức quỹ đầu tư mô phỏng theo một chỉ số cụ thể) tiếp tục đóng vai trò giao dịch tích cực hút vốn ngoại trong 9 tháng đầu năm nay. Các quỹ mở đóng chưa thể tăng được quy mô, giao dịch phần lớn liên quan đến hoạt động cơ cấu danh mục. Chính sách nới lỏng tiền tệ của các nền kinh tế chủ chốt có thể giúp dòng tiền quay lại khu vực thị trường mới nổi. Dòng tiền do vậy sẽ có độ trễ và dự báo chưa thể đột biến trong 3 tháng cuối năm.
Tuy vậy, BSC cũng cho rằng, thị trường có thể kỳ vọng vào các quỹ ETF nội hoạt động dựa trên 2 bộ chỉ số, VN-Diamond Index và VN-Capped Financial Index, được xây dựng bởi Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE). Các cổ phiếu trong rổ của 2 bộ chỉ số này phần lớn đã hết tỷ lệ được phép mua của khối ngoại. Việc ra đời của các quỹ ETF dựa trên các bộ chỉ số trên sẽ giải quyết một phần nhu cầu đầu tư của khối ngoại vào các cổ phiếu chất lượng nhưng đã hết hoặc còn lại room không đáng kể. Dù chưa được nâng hạng thị trường, song điều này cũng được kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn ngoại và qua đó hỗ trợ thị trường trong quý IV/2019.
Theo phân tích của BSC, P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của VN-Index hiện tăng lên mức 17, từ mức 16,45 cuối quý II/2019. Mức P/E hiện tại đang ở mức trung bình so với khu vực, tuy nhiên lại khá cao so với định giá chỉ số MSCI khu vực thị trường biên. Chỉ số P/E của VN30, tập hợp 30 cổ phiếu hàng đầu, chỉ khoảng 14,1%.
Mức định giá này đang khá hợp lý cho hoạt động đầu tư. Trong khi chờ đợi các quy định có tính đột phá, việc các quỹ trong nước đang huy động vốn cho các quỹ ETF dựa trên bộ chỉ số VN-Diamond Index và VN-Capped Financial Index sẽ là giải pháp huy động vốn ngoại hiệu quả.
Tại hội thảo “Chiến tranh thương mại leo thang: Mừng, lo của doanh nghiệp Việt?” tổ chức vào tháng 9 vừa qua, ông Matthew Smith, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho biết, dòng tiền chảy vào các thị trường mới nổi, bao gồm cả Việt Nam có thể sẽ được cải thiện vào cuối năm nay, khi các ngân hàng trung ương toàn cầu, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang của Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ để giải quyết vấn đề phát triển kinh tế trì trệ.
Theo ông Matthew Smith, hiện nhiều quỹ đang nắm giữ lượng tiền mặt rất lớn, có thể trong quý IV/2019 họ cần mang đi đầu tư để cân đối danh mục đầu tư. Do vậy, nhiều khả năng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại thị trường Việt Nam và là đối tượng mua ròng, chứ không phải bán ròng.