Sau khi đi vào hoạt động, dự án kỳ vọng có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 3-5%. Thông tin trên được ông Võ Tấn Đức - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tại nêu ra tại hội thảo chuyên đề “Cơ hội và thách thức đối với tỉnh Đồng Nai khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động” diễn ra ngày 30/8.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được xây dựng đạt cấp 4F, tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án khoảng 16 tỷ USD, được chia làm 3 giai đoạn. Khi hoàn thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Ông Võ Tấn Đức cho biết: Hiện nay, giai đoạn I của dự án đang triển khai xây dựng 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách, 1 đài kiểm soát không lưu và các công trình phụ trợ; công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 109.111 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026.
“Để phát huy tối đa hiệu quả của Cảng Long Thành, trong Đồ án Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định lấy Cảng hàng không quốc tế Long Thành làm trung tâm động lực mới cho phát triển đột phát, phấn đấu đưa Đồng Nai trở thành đầu mối lớn về giao thông và logistics; phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế hàng không; thu hút ngành công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo sớm trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại vào năm 2030”, ông Võ Tấn Đức nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết: Quy hoạch tỉnh Đồng Nai cũng đã xác định thêm những dư địa mới cho sự phát triển của tỉnh trong đó tập trung khai thác lợi thế của sân bay Long Thành và sân bay lưỡng dụng Biên Hòa, khai thác, mở rộng thêm không gian phát triển dọc tuyến sông Đồng Nai.
“Trong quá trình học tập mô hình phát triên sân bay ở các quốc gia trên thế giới như: Hàn Quốc, Singapore, Hà Lan, Trung Quốc, thì xu hướng phát triển Đô thị sân bay hay quy hoạch vùng phụ trợ quanh sân bay đang trở nên phổ biến trên thế giới; mô hình này ngày càng được hoàn thiện theo hướng tích hợp đa chức năng, hiện đại, tích hợp các khu đô thị, khu kinh tế tri thức, khu công nghệ thông tin, logistics, khu công nghiệp mới, tổ chức sự kiện, khu vui chơi giải trí. Các khu đô thị sân bay giữ vai trò vô cùng quan trọng, là động lực phát triển kinh tế, thúc đẩy hội nhập, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển nhanh các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, logistics”, ông Nuyễn Hữu Nguyên cho biết.
Giáo sư, Tiến sĩ Frank Fichert - Đại học Khoa học Ứng dụng Worms (WUAS, Cộng hòa Liên bang Đức) chia sẻ về phát triển bền vững cảng hàng không – hợp tác giữa cảng hàng không và các bên liên quan trong khu vực EU. Giáo sư Frank Fichert lấy dẫn ví dụ đối với cảng hàng không Munich – Cộng hòa Liên bang Đức cho rằng, cảng hàng không đã mang lại giá trị “vị thế đắc địa” cho khu vực lân cận. Từ đó phát triển các công ty đổi mới sáng tạo, công ty du lịch, trung tâm thương mại.
“Tác động kinh tế từ cảng hàng không tạo ra đối với khu vực lân cận, cụ thể tại cảng hàng không Munich chiếm 69% giá trị gia tăng và 65% việc làm. Đặc biệt, gần như không có người dân thất nghiệp tại vùng này”, Giáo sư Frank Fichert cho biết.
Bên cạnh, Giáo sư Frank Fichert cũng lưu ý, ngoài những tác động tích cực thì cảng hàng không cũng khiến giá bất động sản trong khu vực tăng; cấu trúc kinh tế thay đổi, và gây ra tiếng ồn.
Còn Tiến sĩ Đinh Công Khải – Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng các xu hướng phát triển tác động đến ngành hàng không, trong đó nhấn mạnh lấy con người làm trung tâm; kết nối đa phương thức, đầu tư kết nối mạng lưới giao thông công cộng; tích hợp giữa di chuyển hàng hóa và hành khách, khuyến khích giảm vận chuyển ôtô cá nhân đến sân bay. Cùng với đó, các xu hướng như mục tiêu “net zero”, đổi mới công nghệ, đổi mới lực lượng lao động và thực hiện cuộc cách mạng trải nghiệm hành khách, sẽ là những xu hướng tác động đến cảng hàng không.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, thực tế cách tiếp cận của tỉnh Đồng Nai để tận dung tối đa lợi thế, cơ hội khi Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đi vào hoạt động chưa toàn diện; chưa nhận diện được hết những thách thức, rủi ro và cách nhìn chưa bao quát hết vấn đề có thể phát sinh sau dự án đi vào hoạt động để từ đó có giải pháp phù hợp phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Do đó, với mục đích tiếp nhận được những chia sẻ từ những góc nhìn khác nhau của các chuyên gia có chuyên môn, giúp Đồng Nai loại bỏ những tiêu cực và tối đa hóa lợi ích đối với một cảng hàng không mới, nhằm tạo động lực cho sự phát triển của Đồng Nai bền vững trong tương lai.