Sự tăng trưởng kinh tế khá đồng đều ở các nền kinh tế lớn trên thế giới trong năm 2013 đã tạo ra nền tảng cho các dự báo lạc quan song có phần thận trọng về sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 do trong mỗi nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Kinh tế Mỹ đang đà phục hồi.
|
Mạng tin "Geopolitical Monitor" ngày 7/1 cho biết Mỹ, nền kinh tế số một thế giới, đang trên đà phục hồi, với các dự báo tăng trưởng năm nay đều cao hơn mức 2% so với năm ngoái. Các vấn đề về cắt giảm ngân sách, giảm nợ công ty cũng như nợ hộ gia đình đã từng bước có chuyển biến.
Ngoài ra, ngành khai thác năng lượng đá phiến của Mỹ đang chuyển mình, hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế.
Tuy nhiên, mạng tin cũng đưa ra một số vấn đề có thể ảnh hưởng đến triển vọng tích cực này, trong đó có kế hoạch giảm dần gói nới lỏng định lượng (QE) của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), chính sách tài khóa chưa có tiến bộ.
Đánh giá nền kinh tế Nhật Bản, các chuyên gia nhận định những chính sách khuyến khích kinh tế, trong đó chương trình mang tên "Abenomics" của Thủ tướng Shinzo Abe đang phát huy hiệu quả. Năm ngoái, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại Nhật Bản đều tăng và giới chuyên gia dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm nay.
Tuy nhiên, hoạt động nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cũng bị ảnh hưởng do việc tăng thuế doanh thu lên 3% và Tokyo đang phải gánh khoản nợ khổng lồ gần 230% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Việc trả lãi cho khoản nợ này có thể nguy hiểm và lợi tức trái phiếu chính phủ của Nhật Bản tăng mạnh có thể khiến chi phí dịch vụ nợ này trở nên không bền vững.
Đối với Trung Quốc, tốc độ tăng nợ nhanh đã trở thành vấn nạn trong những năm trở lại đây, buộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cách đây hai năm đã phải thắt chặt tín dụng. Tuy nhiên, các sáng kiến này đang cản trở tăng trưởng kinh tế. Để khắc phục, giới lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã nới lỏng các điều kiện tín dụng và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm 2013, giúp kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng.
Không chỉ vậy, Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi mô hình tăng trưởng từ phụ thuộc nhu cầu nước ngoài sang một nền kinh tế dựa vào sức tiêu dùng nội địa bền vững. Tuy nhiên, các hộ gia đình vẫn chưa đủ giàu để chi phối nền kinh tế, buộc họ phụ thuộc vào vay nợ để duy trì tăng trưởng. Chính vì vậy, ban lãnh đạo Trung Quốc cần có những cải cách kinh tế và chính trị lớn để giảm sự phụ thuộc của hộ gia đình vào nợ, đồng thời thận trọng để duy trì tăng trưởng và tránh bất kỳ yếu tố có tác động sâu rộng.
Trong khi đó, Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lại có nguy cơ tự rơi vào cái bẫy của mình trong năm 2014. Theo "Geopolitical Monitor", năm 2013 được đánh giá là tương đối thuận lợi đối với các quốc gia thuộc khối này khi các thị trường khá yên ổn.
Nhưng các chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong năm nay vẫn thấp trong khi phải đối mặt với các khó khăn như tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 12,2%, một số nền kinh tế lớn đang thiếu sức cạnh tranh do chi phí lao động cao kèm theo đồng tiền mạnh.
Giới lãnh đạo Eurozone có thể từ bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng, nhưng nợ công vẫn tăng lên, buộc các nước cải thiện cán cân tài chính để thu hút đầu tư nước ngoài. Tương tự, các ngân hàng châu Âu tiếp tục trong chế độ giảm nợ, dẫn đến chính sách thắt chặt các điều kiện tín dụng. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tại châu Âu bằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng tiến bộ về một liên minh ngân hàng vẫn rất chậm.
Cùng ngày, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế Christine Lagarde thông báo thể chế tài chính này sẽ cân nhắc việc nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sớm đưa ra kết luận cuối cùng trong 3 tuần tới. Trước đó, trong báo cáo "Triển vọng Kinh tế thế giới" công bố hồi tháng mười năm ngoái, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2014 từ 3,8% xuống còn 3,6% vì cho rằng đà phát triển của các nền kinh tế đang nổi chưa thực sự mạnh mẽ.
Cũng trong báo cáo trên, cơ quan này cũng điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 xuống còn 2,9% so với mức 3,2% trước đó.
TTXVN/Tin tức