Từ ngày 11/4, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, lãi suất tái chiết khấu đã đồng loạt giảm 1%/năm so với trước. Bên cạnh đó, trần lãi suất huy động cũng tiếp tục giảm xuống còn 12%/năm, thay vì 13%/năm...
Trả lời báo giới hôm qua về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho rằng: Với trần lãi suất huy động giảm xuống còn 12%/năm thì lãi suất cho vay sẽ dao động ở mức từ 13 - 16%/năm (không bao gồm những lĩnh vực không khuyến khích). Tuy nhiên, không ít người băn khoăn về việc các ngân hàng sẽ “lách” trần lãi suất; đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ vẫn khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn “rẻ”.
Khuyến khích ngân hàng tự giám sát nhau
Trả lời về việc dư luận lo ngại một số ngân hàng sẽ thực hiện không nghiêm túc chủ trương hạ lãi suất huy động, thay vào đó là tìm mọi cách để “lách” trần, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Trước khi công bố hạ lãi suất, NHNN đã họp với 14 ngân hàng hàng đầu ở Việt Nam và thấy rằng: Hiện tượng vượt trần lãi suất vẫn còn với nhiều thủ đoạn tinh vi, không dễ gì phát hiện. Do vậy, bên cạnh việc khuyến khích các ngân hàng tự giám sát nhau để phản ánh kịp thời với NHNN, NHNN cũng sẽ tăng cường giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã điều chỉnh lãi suất mới ngày 11/4 theo Quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Theo người đứng đầu NHNN, về bản chất kinh tế: Với tình hình hiện nay, trước mắt các tổ chức tín dụng (TCTD) vì lợi ích lâu dài sẽ chấp hành tốt mức trần lãi suất theo quy định. Trước đây, một số TCTD lo ngại việc mất thanh khoản nên đã tìm mọi cách “lách” trần để cố gắng không bị giảm nguồn vốn huy động; không bị giảm thị phần. “Tuy nhiên, theo điều hành của NHNN, mức lãi suất huy động giảm khá mạnh từ đầu năm tới nay. Do đó, các TCTD sẽ khó có điều kiện theo đuổi chính sách ‘lách trần’ lãi suất”, ông Bình nói.
Vì vậy đại diện NHNN cho rằng: Vì lợi ích kinh tế, TCTD sẽ phải chấp hành tốt quy định của NHNN để đảm bảo mức chi phí hợp lý trong thời gian tới. “Nếu tình hình diễn biến tốt, vào thời điểm chín muồi, NHNN sẽ xem xét bỏ trần lãi suất”, Thống đốc Bình chia sẻ.
Nới vốn cho vay mua nhà và tiêu dùng
Một nội dung khác trong buổi họp báo cũng được báo giới quan tâm là việc NHNN đã quyết định loại trừ một số đối tượng ra khỏi lĩnh vực không khuyến khích cho vay, trong đó có cả nhu cầu vay mua nhà, xe.
“Trước đây, ngân hàng có chủ trương không khuyến khích cho vay đối với lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng. Nhưng nay, cho vay tiêu dùng đã được cởi mở hơn, được đưa ra khỏi nhóm tín dụng không khuyến khích, chỉ thắt chặt cho vay chi tiêu ở nước ngoài. Tín dụng với bất động sản đã từng bước nới lỏng. Ví dụ: Trước đây chỉ cho vay mua nhà để ở, nay cho vay với cả mục đích mua nhà, xây dựng nhà để đầu tư, bán hay cho thuê”, ông Bình nhấn mạnh.
Quang cảnh buổi họp báo công bố hạ lãi suất huy động xuống 12%/năm. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Lý giải về việc nới lỏng tín dụng bất động sản, người đứng đầu NHNN cho rằng: Thời gian qua, do phải kiềm chế lạm phát nên Nhà nước phải hạn chế tăng trưởng tín dụng. Hiện nay những điều kiện để kiềm chế lạm phát theo các mục tiêu cơ bản đã có chiều hướng đạt được và ổn định nên Nhà nước có thể xem xét các chính sách này.
Theo ông Bình, hiện tại, dư nợ đảm bảo bằng tài sản bất động sản rất lớn, chiếm khoảng 60% nên phải từng bước tháo gỡ, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở. Đại diện NHNN cho biết thêm: Nhu cầu nhà ở vẫn lớn, mặt bằng giá nhà đã hợp lý hơn, gần với mức thu nhập của người dân hơn nên việc nới lỏng tín dụng sẽ tạo cơ hội cho người dân mua nhà. Ngoài ra, việc nới lỏng tín dụng cũng sẽ giải phóng được lượng hàng tồn kho khá lớn như: xi măng, sắt thép; tạo chu chuyển vốn trong nền kinh tế; tạo điều kiện xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng…
Vẫn vay được thấp nếu phương án kinh doanh tốt
Thời gian qua, mặc dù NHNN đã phát đi nhiều tín hiệu về việc lãi suất cho vay sẽ hạ dần nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không mấy kỳ vọng vào việc được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hấp dẫn hơn.
Trước vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình bày tỏ quan điểm: Doanh nghiệp cũng có nhiều loại khác nhau, tình hình tài chính cũng khác biệt nên không thể chỉ nhìn từ một phía là ngân hàng. “Tôi khẳng định: Nếu doanh nghiệp nào có tài chính tốt, sản xuất kinh doanh tốt thì hoàn toàn có thể vay được ở mức 15 - 16%, nếu không vay được thì có thể phản ánh tới NHNN. Nhưng nếu doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt nhưng lĩnh vực cho vay lại không thuộc diện khuyến khích thì vẫn phải chịu mức lãi suất cao”, đại diện NHNN nói.
Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận: Tình hình kinh tế khó khăn trong những năm qua đã khiến doanh nghiệp lao đao, tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp yếu đi. Vì vậy, biện pháp hạ lãi suất, cơ cấu lại nợ của các ngân hàng sẽ tạo điều kiện các doanh nghiệp hấp thụ được vốn tốt hơn.
Minh Phương