Nhiều đơn vị giải ngân chậm
Rà soát của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho thấy, tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao đã và đang gây ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của các Ban Quản lý dự án giao thông, các Sở GTVT. Đến tháng 6/2022, có 9 dự án giao thông giải ngân chưa đạt yêu cầu gồm: Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên; Quốc lộ (QL)279B; QL21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa, QL15; dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch; dự án đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất.
Đại diện nhiều nhà thầu đang thi công cao tốc Bắc Nam cho biết, khi giá xăng tăng, vật liệu xây dựng leo thang, giá đất đắp hiện đã tăng lên 35 - 45%, cát tăng 25 - 30%, giá nhựa đường tăng 30 - 40%, giá đá sản xuất bê tông nhựa tăng 50 - 60%, giá đá dăm loại I tăng 25 - 35%… so với cuối năm 2021. Tính chung, giá vật liệu xây dựng đã tăng từ 20 - 30% so với giá trị hợp đồng đã ký. Vì vậy, các nhà thầu đều đang “lao đao”, không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ, mà còn làm chậm tốc độ giải ngân.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, các doanh nghiệp xây dựng đang đối mặt với nguy cơ phá sản trước tình trạng biến động giá cả vật liệu quá lớn, đẩy giá thành gói thầu lên cao, nhiều nhà thầu đã lỗ tới 46% ngay khi bắt đầu thi công. Song, cơ chế hỗ trợ chưa có, nên không ít dự án dã dừng thi công.
Lý giải những vướng mắc gây chậm giải ngân đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thừa nhận, có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và vật liệu xây dựng. Nguyên nhân do một số nơi chưa cập nhật giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu kịp thời, sát thị trường. Ngoài ra, chủ đầu tư thường có tâm lý an toàn, chọn cách ký hợp đồng trọn gói nên khi xảy ra biến động giá thì phải gánh chịu.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều đơn vị được giao vốn lớn hàng nghìn tỷ đồng như: Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp… “đội sổ” trong xếp hàng giải ngân, tỷ lệ chưa đến 10%; TP Hồ Chí Minh được giao kế hoạch vốn cao nhất năm 2022 là 54.200 tỷ đồng và Hà Nội 51.500 tỷ đồng, nhưng thuộc nhóm giải ngân thấp nhất cả nước…
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công cần phải làm rõ và phải có giải pháp quyết liệt quy trách nhiệm tổ chức, người đứng đầu.
Công khai những cơ quan, đơn vị giải ngân chậm
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 được Quốc hội quyết định tại các Nghị quyết của Quốc hội là 542.105,895 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 222.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 304.105,895 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021 chuyển nguồn sang năm 2022 là 16.000 tỷ đồng.
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết, Công điện, văn bản chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công như tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc, thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đề kiểm tra, đôn đốc công tác thực hiện và giải ngân.
Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 31/7 là 186.848,16 tỷ đồng, đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so cùng kỳ năm trước. Một cơ quan Trung ương và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50%; 41/51 bộ, cơ quan Trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (34,47%), trong đó có 17 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao…
Trước thực tế trên, bên cạnh việc biểu dương những bộ, ngành, địa phương thực hiện giải ngân vốn đầu tư tốt, cao hơn mức trung bình cả nước; Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành, địa phương thực hiện giải ngân đầu tư công đạt thấp. Chính phủ luôn ưu tiên giải quyết vấn đề này. Trong 5 năm qua, tỷ lệ giải ngân trong 7 tháng thường dao động từ 35-40%, nhưng năm nay, ngoài vốn đầu tư trung hạn, còn vốn chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội… các bộ, ngành, địa phương phải hành động quyết liệt.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh danh mục, công tác chuẩn bị đầu tư, kịp thời phát hiện những vấn đề chưa hợp lý, vướng mắc để chỉnh sửa; rà soát lại các quy định thuộc phạm vi quản lý của ngành, những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền xử lý và đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất điều chỉnh vốn từ địa phương giải ngân kém sang địa phương giải ngân tốt; đồng thời, các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, điều chỉnh vốn đầu tư công trong nội bộ bộ, ngành, địa phương, đảm bảo phù hợp, hiệu quả. Tất cả các vấn đề liên quan đến giải ngân vốn, các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, công khai thông tin tiến độ trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân được biết.