Làng nghề vào vụ Tết

“Nghề trồng hoa không nhàn nhã như mọi người nghĩ vì phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Chỉ một cơn mưa bất thường cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoa của cả vụ. Năm nay người trồng hoa đang mong sẽ có một cái Tết sung túc hơn mọi năm”

Được xem như mùa làm ăn lớn và quan trọng nhất mỗi dịp xuân về Tết đến, những ngày này trên khắp làng nghề các tỉnh, thành khu vực phía Nam, người dân đang khẩn trương chuẩn bị hàng hóa đặc trưng phục vụ Tết.

Rực rỡ làng hoa

Là một trong những vườn hoa lớn nhất Nam Bộ chuyên cung cấp hoa kiểng cho cả nước vào những dịp lễ hội, làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) thời điểm gần cuối năm đắm mình trong màu sắc rực rỡ của trăm loài hoa hội tụ. Hoa ở đây thường trồng trên giàn cao, phía dưới là nước từ rạch chảy vào. Để chuẩn bị cho mùa hoa Tết Bính Thân, các nhà vườn đã xuống giống hơn 75 ha đất trồng với các loại hoa phổ biến như hồng, cúc mâm xôi, vạn thọ…

Nông dân vận chuyển hoa từ ghe đến điểm giao hàng cho thương lái tại làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hồng Nhung-TTXVN

“Nghề trồng hoa không nhàn nhã như mọi người nghĩ vì phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Chỉ một cơn mưa bất thường cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoa của cả vụ. Năm nay người trồng hoa đang mong sẽ có một cái Tết sung túc hơn mọi năm”, bác Trần Văn Quang ở làng hoa Tân Quy Đông (Sa Đéc) cho biết.

Khi thời tiết miền Nam bắt đầu chuyển mùa đem về một chút heo may, nghệ nhân làng mai Tết huyện Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) bắt đầu khẩn trương nhanh tay vào vụ. Nắm bắt nhu cầu chơi mai của hầu hết người dân yêu thích: tán to, hoa nhiều, đậm sắc, giá cả phải chăng… nhà nông tại đây thường chọn giống mai ghép nên hoa to, nhiều cánh, sau đó cấy giống trên đất nên cây phát triển nhanh, ít tốn công chăm sóc. Mỗi năm, làng mai Thủ Đức đưa ra thị trường hàng triệu cây mai có hình dáng nổi bật, đạt tiêu chuẩn về số lượng hoa và nở đúng dịp Tết. Hiện ở đây không khí đang nhộn nhịp hơn bao giờ hết vì đã vào mùa cao điểm kinh doanh, rất nhiều vườn mai đã có khách hàng, thương lái tấp nập đến hỏi mua hoặc thuê mai về chơi Tết.

Tại làng hoa kiểng Cái Mơn thuộc huyện Chợ Lách (Bến Tre), các hộ trồng hoa đang chăm chút cho 2 loại cây thế mạnh của mình mỗi khi năm hết Tết về là mai vàng và cây kiểng lá. Trên con đường rợp bóng dừa về Vĩnh Bình, Vĩnh Thành… những vườn mai, kiểng lá nối tiếp nhau khoe những đọt lá tươi xanh mơn mởn. Trồng hoa kiểng không cần nhiều đất và có thể tận dụng các khoảng trống trong sân, vườn để chứa gốc mai và chậu kiểng cũng cho thu nhập cả chục triệu đồng mỗi vụ. Ngày Tết, mai kiểng Cái Mơn thường được chọn làm quà và theo các nghệ nhân tại đây “bật mí”, đầu tư vườn mai vừa cho lợi nhuận cao lại ít tốn công chăm sóc, đầu tư nên đang được nhiều hộ dân, nghệ nhân chuyên tâm đeo đuổi.

Náo nức làng nghề ẩm thực

Như một tập tục lâu đời, mỗi dịp xuân về người dân tỉnh Bến Tre làm kẹo dừa để ăn trong gia đình hay để biếu bè bạn, người thân trong những dịp lễ, Tết. Suốt một thời gian dài, kỹ thuật làm kẹo dừa đã không ngừng được cải tiến và trở thành một sản phẩm truyền thống được khách hàng ưa chuộng. Từ vòng xoay Tân Thành, đi một quãng đường hơn 2 km chúng tôi đến làng nghề làm kẹo dừa thuộc phường 7, TP Bến Tre. Ngay từ đoạn rẽ vào đầu làng đã nghe trong gió sực nức mùi thơm của kẹo dừa. Chị Trần Thúy Hà, chủ cơ sở làm kẹo dừa tại đây, cho biết năm nay đơn hàng nhiều hơn mọi năm. Các loại kẹo dừa có sự kết hợp với sầu riêng, đậu phộng… thu hút và người mua đã được chăm chút hơn về mẫu mã, điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm…

Những ngày này, vườn cây ăn trái ở Tiền Giang cũng đã bước vào giai đoạn cuối công tác chuẩn bị cung cấp cho thị trường những loại trái cây chất lượng, đẹp mắt dịp xuân về. Các hộ dân thuộc huyện Châu Thành cho hay, năm nay dù thời tiết có đôi chút bất lợi nhưng vườn cây ăn trái vẫn phát triển tốt. Hiện bưởi và quýt đều đã lớn kịp thu hoạch đúng vào những ngày cận Tết và dự kiến, sẽ tập trung thu hoạch rộ từ sau ngày đưa ông Táo về trời. Được biết, Tiền Giang là thủ phủ trái cây của khu vực đồng bằng sông Cửu Long với gần .000 ha cây ăn quả chiếm khoảng 10% diện tích cây ăn quả cả nước, cho sản lượng gần 900.000 tấn quả/năm, đạt giá trị hơn 2.500 tỷ đồng.

Tương tự, tại làng khô ở huyện Chợ Mới (An Giang) với khoảng 40 cơ sở chuyên sản xuất các loại khô thủy sản cũng đang tất bật với những công đoạn cuối cùng. Với khô cá lóc, những công đoạn từ khâu làm cá, muối, rửa nhà nông phải làm sao để không còn mùi tanh rồi làm lạnh, xả đông và quan trọng nhất là khâu ướp gia vị để có được vị thơm đặc trưng và được chủ cơ sở giám sát cẩn thận. Còn ở tỉnh Cà Mau, nơi nổi tiếng về làm các loại khô thủy sản như: mực, tôm… cũng đang tất bật cho kịp đơn hàng của các thương lái. Theo chủ các lò sản xuất thủy hải sản khô tại đây cho biết, giá nguyên liệu tôm và các loại cá để làm khô đều tăng cao và chắc chắn Tết năm nay giá sẽ tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2015.
Lê Nghĩa
“Về Làng” ở Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng
“Về Làng” ở Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng

Vào những độ xuân về, hội chợ Hoa xuân Phú Mỹ Hưng (quận 7, Tp. Hồ Chí Minh) luôn là một trong những địa điểm thu hút đông đảo nhân dân thành phố, bà con kiều bào, cộng đồng người nước ngoài đến tham quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN