Lạng Sơn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, kinh tế của tỉnh Lạng Sơn đã từng bước hội nhập quốc tế và có bước phát triển; tăng trưởng kinh tế duy trì tốc độ khá, chuyển dịch cơ cấu tích cực, năng lực cạnh tranh, chất lượng hàng hóa, dịch vụ được nâng lên; vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế dần được cải thiện.


Năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh ước đạt trên 2.100 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội huy động được khoảng 19.500 tỷ đồng, cơ cấu vốn có sự chuyển dịch tích cực, vốn ngân sách Nhà nước chiếm 46% năm 2005 giảm xuống còn 29% năm 2010. Do hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đã mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế của Lạng Sơn, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới đối với công tác quản lý.


Bãi xe tại cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn, một đầu mối xuất nhập khẩu quan trọng của Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.


Việc mở cửa thị trường kéo theo những hệ lụy như mất cân đối thương mại, nhập siêu tăng. Nhiều mặt hàng kém chất lượng, giá thành rẻ thâm nhập thị trường gây thiệt hại cho người tiêu dùng và sản xuất trong nước, nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Mặt khác, mở cửa thị trường nhưng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh không được nâng lên một cách tương xứng, môi trường đầu tư chậm được cải thiện. Việc phát triển kinh tế theo chiều rộng với việc đầu tư mở rộng về số lượng, chú trọng sử dụng nguyên liệu thô, sử dụng lao động với hàm lượng chất xám và trình độ công nghệ thấp hoặc trung bình, trở thành thách thức cho việc phát triển kinh tế của địa phương trong giai đoạn hội nhập.


Các doanh nghiệp của tỉnh Lạng Sơn có quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp, kinh doanh còn manh mún, chưa có chiến lược dài hạn và chưa đủ khả năng để khai thác được lợi thế của doanh nghiệp từ chính sách vĩ mô và mở cửa thị trường. Tính liên kết giữa các doanh nghiệp yếu, nên không tận dụng được lợi thế về quy mô thị trường đang được mở rộng. Thiếu chiến lược quảng bá thương hiệu quốc gia và thương hiệu địa phương, vì vậy thông tin về các doanh nghiệp, sản phẩm, cơ hội đầu tư và du lịch chưa thu hút được các đối tác, khách hàng nước ngoài. Cùng với đó là việc thiếu lao động có chuyên môn, tay nghề cao. Về cơ bản, nguồn cung lao động có kỹ năng cao và lao động quản lý của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế.


Cơ sở hạ tầng tuy đã được tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và phát triển kinh tế xã hội; tiến độ thực hiện các công trình, dự án còn chậm và tình trạng ô nhiễm môi trường đang đặt ra, cần được giải quyết. Hệ thống tài chính - ngân hàng còn yếu kém; các hoạt động dịch vụ có tính chất hỗ trợ kinh doanh như dịch vụ tư vấn, dịch vụ khoa học kỹ thuật... chậm phát triển và chưa tạo được lợi thế cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng hoạt động. Các doanh nghiệp địa phương thường xuyên thiếu thông tin về thị trường thế giới, luật pháp quốc tế, môi trường kinh doanh ở nước ngoài... Cải cách hành chính chưa đi vào chiều sâu, đội ngũ cán bộ chưa có chuyển biến thực sự từ quan niệm quản lý sang phục vụ, dẫn đến hiệu suất và hiệu quả của bộ máy hành chính chưa cao.


Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hội nhập quốc tế là cơ hội tốt để nâng cao năng lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành và sản phẩm, tận dụng các cơ hội mới để hội nhập thành công và toàn diện vào nền kinh tế thế giới. Nhằm giúp địa phương triển khai công tác hội nhập quốc tế tốt hơn nữa, góp phần tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương bền vững, tỉnh Lạng Sơn đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành cần sớm xây dựng chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó xác định rõ mục tiêu và các bước đi thích hợp từng giai đoạn; có chiến thuật thực thi các cam kết một cách linh hoạt, nhằm đảm bảo lợi ích tối đa của doanh nghiệp, ngành và địa phương.


Thông tin hội nhập kinh tế quốc tế cần đảm bảo thông suốt từ Trung ương đến địa phương để doanh nghiệp, địa phương nắm bắt rõ ràng các cơ hội và thách thức trong lộ trình mở cửa; tiếp tục xây dựng cẩm nang và chương trình, tài liệu tập huấn bài bản về hội nhập kinh tế quốc tế để phổ biến cho từng nhóm đối tượng theo từng lĩnh vực, ngành nghề; xây dựng các hàng rào phi thuế quan để kiểm soát hàng nhập khẩu về số lượng và chất lượng; cần có cơ chế điều phối đủ mạnh để phối hợp công tác hội nhập kinh tế quốc tế từ Trung ương đến địa phương và các địa phương trong vùng; nhanh chóng tổ chức đào tạo bài bản để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ hội nhập kinh tế quốc tế các cấp, đặc biệt là tại các địa phương...



Bài và ảnh:Thái Thuần

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN