Lên kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP

Công bố của Tổng cục Thống kê sáng 28/6 cho thấy, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm mới ở mức 5,52%, trong khi mục tiêu của Chính phủ là tăng trưởng GDP cả năm 6,7%.

Để đạt mục tiêu này, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Bích Lâm, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phải đạt mức 7,6%. Đây là thách thức lớn đối với Chính phủ và các bộ, ngành trong việc đưa ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. 

Nhiều “trụ cột” chính giảm

Theo Tổng cục Thống kê, bức tranh kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2016 có vài điểm sáng. Sáng nhất là khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Trong đó có ngành bán buôn, bán lẻ tăng 8,1%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 6,1%; thông tin truyền thông tăng 8,76%... Tiếp đến là lĩnh vực chế biến, chế tạo có mức tăng 10,1%, tương đương mức tăng cùng kỳ năm 2015. Các ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,7% và ngành xây dựng tăng 8,8%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng cao của ngành dịch vụ hay các ngành nêu trên chỉ là những mảng sáng bé trong bức tranh lớn của nền kinh tế. Trong đó, những mảng đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP là ngành nông nghiệp, khai khoáng, công nghiệp... thì lại có mầu trầm.

Cụ thể, nông nghiệp giảm do ảnh hưởng thiên tai, tháng 2 rét đậm, tháng 5, 6 xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn và hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên khiến sản lượng nuôi trồng thủy sản giảm 3%, lúa vụ đông xuân giảm 1,3 triệu tấn so với cùng kỳ. Ngành khai thác thủy sản cũng bị giảm mạnh sản lượng do tại một số vùng biển thuộc các tỉnh miền Trung vào tháng tư xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng, hải sản khó tiêu thụ, nhiều ngư dân phải dừng đánh bắt ở vùng biển ven bờ khiến sản lượng thủy sản khai thác ở các tỉnh miền Trung giảm mạnh.

Phân tích một số trụ cột chính của tăng trưởng GDP, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia cho biết, năm 2015 tăng trưởng GDP đạt 6,8% là rất cao. Tuy nhiên mức tăng GDP đó được đóng góp chỉ bởi một số ngành chính như khai khoáng, xây dựng... Điều này có nghĩa, nếu sang năm 2016 những ngành này không giữ được đà tăng như năm trước thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng năm nay.

Đồng thuận phân tích trên, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp cho biết thêm, 6 tháng đầu năm nay, ngành khai khoáng có tốc độ tăng trưởng thấp hơn các năm trước. Cụ thể là khai thác dầu thô giảm 6,1%, khai thác than tăng 3%, khai thác khí tăng 5%. Tính chung công nghiệp khai khoáng trong 6 tháng giảm 2,2%, trong khi tốc độ tăng trưởng năm trước là 8,5%. Đây là tín hiệu không tốt lắm đối với ngành khai khoáng. Theo dự báo kế hoạch kinh doanh của hai tập đoàn là than và dầu khí 6 tháng đầu năm và cả năm 2016, tốc độ tăng của ngành khai khoáng 6 tháng cuối năm chỉ đạt trên 9%, mức tăng này còn thấp hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm. Việc giảm này không phải ngành khai khoáng làm ăn kém, mà do nguồn tài nguyên của ngành ngày càng cạn.

Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến chế tạo có thể nói là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhập khẩu (nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu chế biến), nhưng chỉ số nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm là số âm, phản ánh lĩnh vực chế biến, chế tạo chưa tăng trưởng mạnh, chưa thể bù đắp được sự thiếu hụt của khai khoáng, nông nghiệp.

Giải pháp giữ mục tiêu GDP cả năm 6,7%


Thực tế, theo ông Hà Quang Tuyến tăng trưởng quý I đã có dấu hiệu chững lại. Sang quý II dù đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ như việc ban hành các Nghị quyết 19/NQ - CP, Nghị quyết 35/NQ - CP về rà soát loại bỏ rào cản cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế... nhưng cũng chỉ tăng 0,07% so với quý I. Tín hiệu này cho thấy sang quý II, tăng trưởng kinh vẫn tế tiếp tục chững lại.

Về ảnh hưởng của Brexit, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo Tổng cục nghiên cứu đánh giá tác động. Trước hết là tác động về đầu tư, Tổng cục sẽ rà soát lại đầu tư của Anh tại Việt Nam. Tổng cục sẽ nghiên cứu kỹ từng nhóm hàng xuất, nhập khẩu của Việt Nam vào Anh và EU. Hiện hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Anh không nhiều nên trước mắt chưa tác động gì và chưa rõ nét.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT)

Mục tiêu Quốc hội đặt ra mức tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,7%. Theo chỉ tiêu này thì 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt gần 7,6%. Trong bối cảnh nội lực của nền kinh tế thể hiện trong 6 tháng qua thì mục tiêu này để đạt được sẽ rất khó khăn. Theo đó, muốn đạt được, thì trong ngắn hạn, ngành nông nghiệp phải nỗ lực đạt được diện tích gieo trồng lớn nhất. Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản cần duy trì ổn định. Đối với ngành công nghiệp khai khoáng, năm 2015, đóng góp của ngành này vào GDP đứng thứ tư, trong khi 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng âm. Theo đó, để ngành khai khoáng đóng góp vào tăng trưởng GDP gần bằng với năm trước thì dầu thô tiếp tục phải tăng sản lượng khai thác (năm 2016, kế hoạch khai thác dầu thô là 14,02 triệu tấn).

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết, Tổng cục Thống kê đã xây dựng kịch bản khai thác dầu thô phải tăng để đóng góp vào tăng trưởng GDP cả năm. Năm ngoái kế hoạch 14,7 triệu tấn, nhưng đã khai thác được hơn 16 triệu tấn. Năm nay, muốn GDP 6 tháng cuối năm tăng trưởng 7,6% thì khai thác dầu thô phải tăng hơn 2 triệu tấn, khi đó tăng trưởng GDP sẽ hoàn thành. Nhưng đây chỉ là một kịch bản của Tổng cục Thống kê. “Từ số liệu kinh tế 6 tháng đầu năm này, chắc chắn Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành sẽ bàn và đưa ra các kịch bản khác để phát triển kinh tế mà không phụ thuộc vào khai thác dầu thô. Chẳng hạn như có giải pháp kích cầu, tăng trưởng tín dụng, tăng cho vay, tăng đầu tư, tìm các nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng”, ông Lâm nói.
Xuân Hương
6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP chững lại
6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP chững lại

Tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay tuy cao hơn tốc độ cùng kỳ các năm 2012-2014 nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN