LHQ sẽ điều tra các quỹ 'kền kền'

Với 33 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 9 phiếu trắng, ngày 26/9, tại Geneva, Thụy Sĩ, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết do Argentina bảo trợ lên án hành động của các quỹ “kền kền” gây ra tình trạng nghèo đói và bất ổn kinh tế cho các nước đang phát triển.

Ngoại trưởng Timerman trình bày dự thảo nghị quyết tại Hội đồng nhân quyền LQH (ảnh: Télam)


Phát biểu tại cuộc họp báo sau kết quả bỏ phiếu, Ngoại trưởng Argentina Héctor Timerman cho rằng hoạt động đầu cơ của các quỹ “kền kền” ngăn cản không chỉ Argentina mà còn nhiều nước khác hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ các quyền con người, đặc biệt là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và phát triển.

Theo ông Timerman, nghị quyết do Argentina bảo trợ yêu cầu Hội đồng nhân quyền LHQ điều tra các quỹ “kền kền”. Đây là lần đầu tiên LHQ điều tra hoạt động của các quỹ đầu cơ quốc tế và hậu quả đối với các nền kinh tế đã tái cơ cấu nợ nước ngoài.

Động thái trên là một bước đi quan trọng nữa của LHQ chống các quỹ đầu cơ trục lợi, sau khi cũng trong tháng này, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết về sự cần thiết thiết lập khuôn khổ pháp lý về tái cơ cấu nợ nước ngoài.

Các quỹ "kền kền" chuyên mua trái phiếu của các nước gặp khó khăn kinh tế với giá rẻ mạt so với giá trị thực tại thị trường thứ cấp, sau đó từ chối tham gia tái cơ cấu nợ và thông qua kiện tụng tại tòa án đòi được thanh toán trái phiếu theo đúng mệnh giá, cùng tiền lãi và tiền phạt.

Argentina đang là nạn nhân mới nhất của các quỹ đầu cơ trục lợi này sau vụ vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD cuối năm 2001. Các quỹ "kền kền", đứng đầu là NML Capital và Aurelius Capital Management, đã kiện Argentina tại tòa án ở New York, Mỹ và thắng kiện, đòi Buenos Aires thanh toán trái phiếu nợ theo giá trị trên trái phiếu, cùng tiền lãi và tiền phạt, tổng cộng khoảng 1,5 tỷ USD.

Argentina không thể thực hiện phán quyết này, vì nếu chấp nhận thanh toán nợ cho các
quỹ “kền kền” theo đúng mệnh giá trái phiếu, Buenos Aires sẽ đối mặt với nguy cơ bị các chủ trái phiếu không tham gia tái cơ cấu nợ và các chủ đã chấp nhận đáo nợ kiện yêu cầu cũng được hưởng ưu đãi tương tự. Trong trường hợp này, Argentina sẽ phải trả một số tiền khổng lồ có chuyên gia ước tính có thể lên tới 250 tỷ USD.

Trong diễn biến mới nhất liên quan vụ kiện giữa Argentina với tòa án Mỹ, Thẩm phán Tòa án LB Mỹ ở New York, Thomas Griesa đã gỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với 5 triệu USD được Argentina chuyển vào tài khoản của Ngân hàng Citigroup để thanh toán các khoản lãi tới hạn cho các chủ nợ nhỏ trước hạn chót 30/9 nhằm tránh trường hợp quốc gia Nam Mỹ này bị rơi vào vụ vỡ nợ lần thứ hai trong vòng hai tháng.

Tuy nhiên, Thẩm phán Griesa vẫn giữ nguyên lệnh phong tỏa 539 triệu USD được Argentina chuyển vào tài khoản của Ngân hàng New York Mellon (BoNY) từ cuối tháng 6 để thanh toán khoản lãi tới hạn trả gần nhất cho các trái chủ đã chấp nhận đáo nợ, cho tới khi Bruenos Aires thanh toán nợ cho các quỹ "kền kền" không tham gia tái cơ cấu nợ.


Quang Sơn (P/v TTXVN tại Argentina)


“Quỹ kền kền”, nỗi ám ảnh không chỉ của Argentine
“Quỹ kền kền”, nỗi ám ảnh không chỉ của Argentine

Sự kiện Argentine bị “vỡ nợ” đã khiến nuớc này trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử vẫn có khả năng chi trả nhưng bị xem là “tạm thời phá sản”. Đây là hậu quả của cuộc chiến pháp lý với các “quỹ kền kền”...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN