Tuy nhiên, cơ chế này cũng tạo ra sức ép đối với DN vay nợ bằng ngoại tệ và các nhà đầu tư chứng khoán.
Thích ứng với biến động tỷ giá
Sau khi NHNN công bố điều hành tỷ giá theo cơ chế mới, nhiều DN xuất nhập khẩu bày tỏ lo ngại tỷ giá biến động liên tục sẽ khiến họ gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh...
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) chia sẻ: “Hầu hết, các đơn hàng của công ty với đối tác nước ngoài đều được ký trước đó từ vài tháng đến cả năm và đều sử dụng USD để thanh toán. Do đó, biến động tỷ giá luôn ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Bây giờ, thêm tỷ giá được điều hành theo cơ chế mới, DN sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí quản lý, đặc biệt chi phí quản lý rủi ro sẽ cao hơn và như vậy, rất có thể lợi nhuận sẽ không như mong muốn”.
Việc điều hành tỷ giá mới buộc các DN phải linh hoạt, thường xuyên bám sát diễn biến của thị trường. |
Các DN vay nợ bằng ngoại tệ và phải trả nợ bằng ngoại tệ trước đây được lợi từ tỷ giá hối đoái ổn định thì giờ đây cũng sẽ chịu áp lực của thị trường là VND có thể phải mất giá nhiều hơn. Ngay cả các nhà đầu tư chứng khoán cũng muốn tỷ giá được ổn định vì khi đầu tư chứng khoán, mệnh giá đều bằng tiền Việt Nam, nên việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn sẽ tạo thách thức cho họ là phải tự quản lý rủi ro khi biến động tỷ giá.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc làm quen với biến động tỷ giá nhiều hơn cũng mang lại những lợi ích nhất định với DN và nền kinh tế. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên môn Chính sách Công - Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết, cơ chế tỷ giá mới có thể giúp tăng tính cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam. Đơn cử, trước đây, khi tỷ giá VND được giữ ổn định với USD trong khi tỷ giá các nước khác mất giá rất nhiều, dẫn đến trong năm 2015 xuất khẩu nông sản gặp rất nhiều khó khăn. Song nếu tỷ giá điều hành linh hoạt hơn, hàng xuất khẩu nông sản như cà phê sẽ tăng được cạnh tranh. Tương tự, trong những năm qua, nhập siêu của Việt Nam cũng gia tăng do kinh tế phát triển làm tăng cầu nhập khẩu và một yếu tố nữa là khi tỷ giá hối đoái ổn định, những mặt hàng của các nước khác như Trung Quốc và các nước ASEAN nhập về Việt Nam có giá cạnh tranh hơn thì nhập khẩu tăng. Do đó, tỷ giá linh hoạt hơn thì có thể tác động làm tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu.
Theo các chuyên gia kinh tế, với DN, việc “neo” tỷ giá một mặt tạo ra sự ổn định nhưng khi áp lực tỷ giá tích tụ quá lâu thì đến khi điều chỉnh tỷ giá DN có thể chịu áp lực lớn. Tuy nhiên, với cơ chế điều hành tỷ giá mới, mức biến động tỷ giá có thể nhiều hơn, nhưng biên độ biến động sẽ ít hơn thì DN cũng đỡ bị rủi ro hơn.
Chú trọng bảo hiểm tỷ giá
Với cách điều hành tỷ giá mới, nhiều DN cũng đã chủ động ứng biến hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp. Ông Nguyễn Đắc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Nam Sơn, chuyên xuất nhập khẩu hàng kim khí chia sẻ: “Với cơ chế điều hành tỷ giá mới, công ty chúng tôi không dám nhập hàng thường xuyên nữa. Bởi tỷ giá được điều chỉnh liên tục, nếu không bám sát tỷ giá NHNN công bố hằng ngày để đưa ra phương án mua kỳ hạn và dùng sản phẩm phái sinh cho phù hợp thì việc nhập hàng về đúng lúc tỷ giá tăng sẽ khiến DN sẽ bị thiệt hại. Vì thế, chúng tôi chỉ nhập hàng khi có nhu cầu sử dụng để tránh bị lỗ”.
Theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, mặc dù cơ chế điều hành tỷ giá mới tạo sự linh hoạt nhưng vẫn chưa tuân theo cơ chế thả nổi hoàn toàn. Cụ thể, tỷ giá vẫn chịu sự quản lý của NHNN do NHNN vẫn xác định tỷ giá hối đoái trung tâm và biên độ dao động vẫn là +/-3%. Do vậy, về bản chất chưa có những ảnh hưởng rõ rệt trong ngắn hạn tới các DN. “Tuy nhiên, về lâu dài, các DN muốn ổn định tỷ giá để kiểm soát chi phí và bảo đảm hoạt động kinh doanh thì DN buộc phải linh hoạt, thường xuyên bám sát diễn biến của thị trường và khoản chi phí để bảo đảm giá bán và lợi nhuận. DN cũng nên sử dụng công cụ bán kỳ hạn USD, tham gia vào thị trường ngoại hối thông qua các công cụ phái sinh ngoại tệ nhiều hơn”, TS Tín nói.
Đồng tình quan điểm trên, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cũng cho rằng sự thay đổi về điều hành tỷ giá là có lợi cho DN. Bởi khi tỷ giá thay đổi theo biên độ nhỏ hằng ngày, DN sẽ quen với việc tỷ giá biến động và họ cũng sẽ chủ động hơn trong việc phòng chống rủi ro tỷ giá thông qua các sản phẩm phái sinh như hợp đồng kỳ hạn, tương lai hay quyền chọn, hoán đổi lãi suất…
Trước đây, do NHNN cam kết giữ ổn định tỷ giá nên DN tham gia giao dịch phái sinh ngoại hối lâu nay chưa nhiều. Theo số liệu của HSBC, trước đợt biến động tỉ giá hồi tháng 8/2015, có đến 90% DN nhập khẩu không bảo hiểm tỷ giá, 10% còn lại là các công ty đa quốc gia. “Con số này còn thấp so với các nước trong khu vực. Các hợp đồng bảo hiểm tỷ giá của các DN Việt Nam thường cũng rất ngắn hạn, với hơn 80% hợp đồng có thời hạn dưới 3 tháng. Do đó, khi tỷ giá biến động nhiều hơn thì các DN cần quan tâm hơn đến các công cụ bảo hiểm tỷ giá”, ông Hải cho biết thêm.