Một số chủ đầu tư các mỏ khai thác khoáng sản đã có những “chiêu trò” để lách luật, trốn thuế… mà một trong những nguyên nhân là do chính sách thuế, phí tài nguyên hiện còn nhiều lỗ hổng. Bốc xúc quặng Ilmenite thô tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN. |
Chính sách va nhau tạo kẽ hở cho DNVừa qua, sự việc liên quan đến Tập đoàn Besra Việt Nam đã làm dấy lên sự lo ngại trong dư luận, khi UBND tỉnh Quảng Nam gửi văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình doanh nghiệp nợ thuế tài nguyên, thuế nhà thầu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, phí bảo vệ môi trường... và tiền phạt chậm nộp thuế của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty TNHH Vàng Phước Sơn, đều thuộc tập đoàn này. Số nợ của 2 DN này lên tới gần 300 tỷ đồng, trong khi, hai nhà máy của các công ty này đào được gần 7 tấn vàng và đã xuất bán ra nước ngoài với mức thu về hàng triệu USD.
Sở dĩ, để xảy ra những tình trạng như trên, theo TS Nguyễn Thành Sơn, Trưởng ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), một phần là bởi chính sách về thuế tài nguyên hiện nay còn nhiều kẽ hở. Ngay giữa Luật Thuế tài nguyên và Nghị định 50/2010/NĐ-CP cũng đã có sự không nhất quán trong quy định về giá tính thuế tài nguyên, gây nhiều mâu thuẫn.
Theo Luật Thuế tài nguyên hiện hành: “Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng”. Còn trong Nghị định 50, giá tính thuế đối với một số sản phẩm như gỗ, dầu thô, khí thiên nhiên, khí than… là giá bán tại điểm giao nhận. Với quy định như vậy, dẫn đến cách tính khác nhau và có sự chênh lệch lớn.
Cùng đó, với quy định “không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định” tại Thông tư 105/2010/TT-BTC về khai thác khoáng sản đã tạo “kẽ hở” lớn. UBND tỉnh Quảng Nam đã quy định mức tính phí khác nhau giữa 2 mỏ vàng Phước Sơn và Bồng Miêu (cùng thuộc Besra) và Besra đã lợi dụng điểm này để trốn thuế, bằng cách chuyển vàng từ mỏ này sang mỏ kia. PGS.TS Lê Xuân Trường, Học Viện Tài chính cho biết: “Luật quy định thuế tính dựa trên mức giá của UBND tỉnh quy định mà UBND tỉnh thường không có chuyên môn sâu về lĩnh vực này, không có nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện chính xác dẫn đến những kẻ hở trên”.
Nhiều chuyên gia nhận định, do thu thuế tài nguyên dựa vào sản lượng mà doanh nghiệp khai thác được, khai báo với cơ quan thuế nên việc doanh nghiệp không khai báo chính xác, khai báo sản lượng thấp hơn so với thực tế là điều dễ xảy ra, gây thất thoát tài nguyên.
“Tại một cuộc họp, đồng chí phó chủ tịch một huyện tại Thái Nguyên cho biết: Thật ra chúng tôi không biết thu thuế dựa trên nguyên tắc gì, doanh nghiệp cho bao nhiêu thì chúng tôi nhận bấy nhiêu. Điều đó cho thấy các địa phương hiện gặp nhiều khó khăn trong giám sát sản lượng khai thác của các doanh nghiệp”, ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) cho biết.
Phí bảo vệ môi trường quá thấpBên cạnh những bất cập về chính sách thuế, thì vấn đề môi trường trong khai thác khoáng sản hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, mức thuế bảo vệ môi trường mà các doanh nghiệp khai khoáng phải nộp hiện nay là quá thấp.
“Mức thu phí bảo vệ môi trường với khí thiên nhiên, khí than là 50 đồng/m3, khí đồng hành là 35 đồng/m3, khoáng sản kim loại từ 20.000 đồng/tấn - 270.000 đồng/tấn, dầu thô là 100.000 đồng/tấn. Mức này là quá thấp để đầu tư, cải tạo môi trường xung quanh khu vực có mỏ khai thác, khiến người dân ở những vùng quanh mỏ chịu thiệt thòi”, ông Trường cho biết.
Thực tế, đói nghèo, bệnh tật và ô nhiễm đang là vấn đề mà hầu hết người dân ở vùng có mỏ khai khoáng đều phải gánh chịu. GS Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) không giấu nổi bức xúc: “Vấn đề ô nhiễm môi trường do khai thác khoáng sản chưa được kiểm soát, khai khoáng dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường sống, đe dọa sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp… Thật đau lòng khi về nhiều địa phương, tôi đã chứng kiến những người nông dân phải đi mót khoáng sản ở bãi thải, trên chính mảnh đất của mình để kiếm sống”.
Bà Trần Thanh Thủy, Trưởng phòng Chính sách, Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết: “Tôi đã đi thực tế ở nhiều địa phương, ở những nơi có mỏ khai thác, người dân có ruộng mà không thể sản xuất, nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng do những mỏ khai khoáng (Yên Bái) hay tình trạng đất bị ô nhiễm kim loại nặng, hàm lượng asen, hàm lượng sắt, kẽm… đều vượt chuẩn cho phép tại Đại Từ (Thái Nguyên), làm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân.
Nhưng điều đáng nói, mặc dù gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến dân sinh như vậy nhưng thu ngân sách từ khai khoáng chưa tương xứng với bảo vệ môi trường. Ví dụ như ở Phú Yên, tính đến tháng 12/2012, tỉnh này có 121 giấy phép khai thác có hiệu lực nhưng chỉ thu về 5,5 tỷ đồng tiền phí môi trường, chi phí này không thể đủ để thực hiện những vấn đề bảo đảm môi trường, dân sinh”.
Trước thực trạng đó, các chuyên gia đề xuất, muốn quản lý tốt nguồn tài nguyên, cần xây dựng chiến lược khai thác đối với từng loại tài nguyên. Cần đồng bộ hóa chính sách quản lý tài nguyên trong đó chú trọng đến chính sách thuế, phí.
“Nên quy định cụ thể tỷ lệ phân bổ nguồn thu từ khai khoáng để bảo đảm sự công bằng cho những người dân tại địa phương có mỏ khai thác. Đồng thời, quan trọng nhất là việc quản lý cần có cơ chế giám sát công khai, minh bạch, đó là sự tham gia vào các quyết định quản lý của người dân, như một công cụ giám sát, để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc bảo đảm những vấn đề xã hội, dân sinh trong quá trình khai thác”, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương: Có 8 vấn đề cần lưu ý trong việc cấp phép khai thác khoáng sản. Thứ nhất là cấp phép không đúng thẩm quyền 103 giấy phép tại một số tỉnh Vĩnh Long, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai… Thứ hai, cấp phép khi không có đăng ký kinh doanh ngành nghề thăm dò khai thác khoáng sản 552 giấy phép. Thứ ba, cấp phép thăm dò không thông qua hình thức lựa chọn tổ chức cá nhân, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Thứ tư, cấp phép khai thác khi hồ sơ không có dự án đầu tư khoáng sản. Thứ năm, cấp phép khi không có giấy chứng nhận đầu tư. Thứ sáu, cấp phép khi chưa có quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thứ bảy, cấp phép khi hồ sơ không có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thứ tám, cấp phép khi chưa được phê duyệt trữ lượng khoáng sản. Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát sau cấp phép tại một số địa phương chưa thực hiện kiên quyết nên xảy ra sơ hở. |
Thu Trang