Trong năm 2014, các doanh nghiệp vận tải có dưới 10 đầu xe sẽ bị loại dần khỏi thị trường vận tải đường bộ, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông. Bộ GTVT sẽ ban hành quy định cụ thể để siết chặt quản lý hoạt động vận tải, khắc phục tình trạng “lộn xộn” thời gian qua.
Cạnh tranh thiếu lành mạnh
Bộ GTVT cho biết, cả nước hiện có khoảng 103.000 xe khách, 620.000 xe tải các loại, được vận hành bởi gần 2.700 doanh nghiệp và gần 600 hợp tác xã vận tải, chưa kể hàng chục ngàn hộ kinh doanh vận tải cá thể. Tốc độ gia tăng phương tiện “chóng mặt” không chỉ khiến gia tăng áp lực đối với hệ thống hạ tầng giao thông mà còn gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải.
Việc quy định số đầu xe tối thiểu giúp nâng cao sức cạnh tranh của DN vận tải. |
Hơn nữa, có tới 60% số đơn vị vận tải khách tuyến cố định và gần 80% đơn vị vận tải khách theo hợp đồng chỉ có dưới 10 đầu xe/đơn vị. Doanh nghiệp vận tải có quy mô càng nhỏ thì việc kiểm soát chất lượng dịch vụ càng khó khăn. Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, riêng tuyến Hải Phòng - Hà Nội hiện có khoảng 400 đầu xe khách được cấp phép hoạt động, với tần suất trung bình hai phút/chuyến, trong khi, lưu lượng hành khách trên tuyến này chỉ dao động từ 4.000 - 5.000 người/ngày, chiếm từ 30 - 40% số ghế. Tình trạng “cung” vượt “cầu” đã dẫn đến tình trạng các nhà xe phải chạy quá tốc độ, bắt khách dọc đường... để tranh giành khách.
Các chuyên gia vận tải cũng nhận định, trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, do có quá nhiều phương tiện vận tải quy mô nhỏ nên đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh bằng cách chở quá tải, quá khổ... gây áp lực xuống cấp và tai nạn giao thông đối với nhiều tuyến đường.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp vận tải quy mô nhỏ với năng lực quản lý và tài chính yếu kém thường sử dụng các loại phương tiện vận tải quá hạn sử dụng nên chất lượng dịch vụ thấp và nguy cơ mất an toàn giao thông cao.
Sắp xếp lại doanh nghiệp nhỏ
Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng cho biết: Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, taxi và vận tải hành khách theo tuyến cố định tới đây sẽ phải đáp ứng được quy định về số lượng xe kinh doanh tối thiểu mới được tham gia lĩnh vực này. Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 91/2009/NĐ - CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do Bộ GTVT đang thảo luận, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải container phải có tối thiểu 5 đầu xe trở lên. Doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định liên tỉnh và taxi phải có tối thiểu 10 đầu xe trở lên. Riêng với các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải miền núi thì tối thiểu phải có 5 xe.
Dự kiến, doanh nghiệp vận tải container phải có từ 5 đầu xe trở lên mới được phép hoạt động. |
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định: Hiện nay, còn nhiều doanh nghiệp vận tải quy mô nhỏ không đáp ứng được các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về điều kiện an toàn giao thông. Việc quy định quy mô sẽ có lộ trình để các doanh nghiệp thích ứng hoặc chuyển đổi. Thực tế, số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký hoạt động vận tải hiện nay chỉ có từ 1 - 3 xe chiếm tới 50% số doanh nghiệp vận tải và tình trạng vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải diễn ra phổ biến ở những đơn vị này.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, việc đưa ra quy định tối thiểu mỗi doanh nghiệp phải có từ 10 đầu xe trở lên để các doanh nghiệp quy mô nhỏ có điều kiện tích tụ, sắp xếp lại. Hiện tại, quy mô khoảng 30 đầu xe/doanh nghiệp là tương đối phù hợp để có thể đáp ứng các quy định về quản lý tập trung. Tuy nhiên, nếu quy định quy mô doanh nghiệp vận tải lớn hơn nữa thì số lượng doanh nghiệp phải sắp xếp lại sẽ quá nhiều.
Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng doanh nghiệp dứt khoát phải đủ lớn để có bộ máy điều hành tập trung, có thể ứng dụng các tiến bộ khoa học vào quản lý, điều hành, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông.
Tiến Hiếu