Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao trên từng đơn vị diện tích đất và tạo điều kiện phát triển bền vững cho cây cà phê.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thu, thôn 8, xã vùng sâu Ea K’Pam (huyện Cư M’gar) có 1,7 ha cà phê. Dù tích cực đầu tư nhưng hiệu quả kém, nhất là những năm gần đây nắng hạn kéo dài, thiếu nước tưới, năng suất giảm.
Sau khi tham quan, học tập các mô hình trồng cây ăn quả xen trong vườn cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị Thu đã mạnh dạn đầu tư trồng 160 cây bơ sáp, bơ booth cùng 100 cây sầu riêng cơm vàng hạt lép.
Đến kỳ thu hoạch sau khi trừ chi phí, mỗi năm chị Thu lãi gần 430 triệu đồng; trong đó, riêng cây ăn quả lãi gần 300 triệu đồng. Chị Thu chia sẻ, cây bơ và sầu riêng rất thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở vùng đất này.
Ông Y’Blăm Niê người Ê Đê ở buôn Rlatc, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) chọn cây bơ Hass theo tiêu chuẩn quốc tế và sầu riêng hạt lép để xen canh trong vườn cà phê. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Cách trồng xen vừa tiết kiệm công chăm sóc mà lại cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu trồng thuần cà phê, mỗi năm chỉ thu lãi khoảng 120 đến 130 triệu, nhưng trồng xen thêm cây ăn quả đã cho chị thu lãi gần 430 triệu đồng.
Bà Đặng Thị Phương, thôn Tân Thành, xã Ea Yông (huyện Krông Pắk) cũng trồng xen sầu riêng giống DONA trong gần 1,5 ha cà phê kinh doanh với khảng cách "cây cách cây 9 mét, hàng cách hàng 9 mét". Sau 8 năm trồng, bà Phương thu lãi mỗi năm từ 200 đến 230 triệu đồng; trong đó, chủ yếu thu lãi từ sầu riêng.
Theo bà Phương, trồng sầu riêng xen trong vườn cà phê rất hữu ích, vừa làm cây che bóng, chắn gió, giảm lượng nước tưới cho cây cà phê trong mùa khô, nhất là biến đổi khí hậu như hiện nay; đặc biệt, tăng thêm thu nhập gấp nhiều lần so với trồng thuần cây cà phê.
Theo đánh giá của Tiến sỹ Trương Hồng, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, việc đa dạng hoá cây lâu năm trong vườn cà phê mà cụ thể ở đây là cây bơ, sầu riêng trồng xen với mật độ 90 đến 92 cây/ha, khoảng cách 12 x 9 mét thì năng suất cà phê vẫn không thay đổi, bình quân đạt gần 3 tấn cà phê nhân/ha.
Trồng xen còn có tác dụng tốt là điều hoà điều kiện khí hậu vườn cây, tăng độ ẩm, giảm nhiệt độ cần thiết và gìn giữ cân bằng môi trường sinh thái, giúp cây cà phê sinh trưởng, phát triển thuận lợi, tăng thu nhập cho các nông hộ.
Hiện Đắk Lắk mới có 10.489 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là bơ, sầu riêng được trồng xen trong các vườn cà phê. Trong khi đó, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có gần 204.000 ha cà phê. Như vậy, việc trồng xen các loại cây ăn quả lâu năm trong vườn cà phê trên địa bàn tỉnh chiếm diện tích còn quá thấp so với yêu cầu.
Tỉnh khuyến khích tạo điều kiện các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn tăng cường đầu tư để phấn đấu từ nay đến năm 2025 có trên 50% diện tích cà phê có trồng cây che bóng; trong đó có chủ yếu là trồng xen các loại cây ăn quả lâu năm nhằm góp phần phát triển cà phê bền vững trên địa bàn.