Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh đã có 90/161 xã và huyện Châu Thành đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu có 83 xã nông thôn mới vào cuối năm 2020.
Theo đó, giai đoạn 2015 - 2020, Long An đã huy động được trên 55.300 tỉ đồng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp gần 1.100 tỉ đồng; ngân sách tỉnh hỗ trợ 563 tỉ đồng; vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn hơn 4.400 tỉ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư hơn 1.050 tỉ đồng và vốn tín dụng hơn 48.200 tỉ đồng.
Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Long An trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của toàn bộ cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chương trình góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Cụ thể, thu nhập bình quân khu vực nông thôn từ 15,6 triệu đồng/người/năm (2010) đã tăng gấp 3 lần, lên mức 45 triệu đồng/người/năm (2019); hộ nghèo giảm còn 1,52%, hộ cận nghèo giảm còn 2,71%. Khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị từng bước được thu hẹp.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền, dù hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra nhưng công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, chất lượng tăng trưởng ngành nông nghiệp, khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản chưa cao; liên kết, hợp tác phát triển chậm và thiếu bền vững. Bên cạnh đó, thu nhập người dân khu vực nông thôn tuy có tăng nhưng vẫn còn ở mức thấp; khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn còn cao...
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Truyền, thời gian tới, các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới cần tiếp tục duy trì, nâng chất các tiêu chí, phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình và chủ động tham gia cùng chính quyền trong xây dựng nông thôn mới; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, dịch vụ gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ở nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại; tập trung nâng cao hoạt động kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới…
Long An phấn đấu trong năm 2020 toàn tỉnh có 14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở các xã còn lại; tập trung các nguồn lực, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu có thêm 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Châu Thành đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.