Lo lắng, nông dân tìm nhiều cách khắc phục, thậm chí gieo sạ lại nhưng tình hình vẫn không khả quan.
Khâu xuống giống vụ Hè Thu vừa mới hoàn tất trên diện tích hơn 6.000 m2, ông Nguyễn Văn Chum ngụ thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự lại buồn rầu khi nhìn lúa chết gần như hoàn toàn.
Ông Chum chia sẻ, trong 20 ngày kể từ ngày xuống giống, lúa lên rất đều rồi phát triển 2 lá mạ, sau đó có dấu hiệu thối rễ, ngọn ngả vàng và héo dần. Mặc dù, ông đã gieo lại lần 2, nhưng tình trạng lúa chết vẫn diễn ra. Ông Chum lắc đầu bất lực: “Giờ thì hết vốn liếng để làm, đành nhìn lúa chết và chờ ngành chức năng nghiên cứu vì sao lúa chết bất ngờ như thế này”.
Cũng chung tình cảnh như ông Chum, anh Trần Tấn Đạt ở thị trấn Thường Thới Tiền cho biết, trên cánh đồng màu xanh của mạ bị phủ lên màu vàng héo. Xót lúa, xót của, anh cố gắng phun thuốc, rải phân và tích cực bơm nước để cứu nhưng cây lúa vẫn không có dấu hiệu phát triển.
Anh Đạt cho biết, lúa cỡ 8 - 10 ngày tuổi là xuất hiện hiện tượng vàng đọt, sử dụng thuốc cũng không tác dụng. Thời tiết năm nay nắng nóng, nhiệt độ cao nên anh Đạt nghi do nắng nóng, phèn mặn trong đất bốc lên mặt ruộng, khi bơm nước vào mạ bị ngộ độc phèn chết. Song, nguyên nhân thứ 2 anh cũng nghĩ đến là từ nguồn nước.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tình trạng lúa non trong giai đoạn mạ không có dấu hiệu phát triển xảy ra trên diện tích khoảng 55 ha của các hộ sản xuất vụ lúa Hè Thu trong khu vực 2.600 ha thuộc thị trấn Thường Thới Tiền và xã Thường Phước 2, bao gồm: 25 ha trong giai đoạn từ 15 - 25 ngày sau sạ ở khu vực Đìa Rúng; 30 ha trong giai đoạn từ 20 - 25 ngày sau sạ tại khu vực Giồng Nen. Mức độ thiệt hại hơn 80 - 100%.
Trước mắt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã hướng dẫn bà con tháo bỏ lượng nước trong ruộng và mở 3 đường cống trong khu vực gồm Đìa Sậy, Lung Sai, Bàu Tròn để nông dân tiến hành bơm nước mới vào ruộng cứu lúa...
Theo ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, kết quả kiểm tra thực tế cho thấy nguyên nhân ban đầu có thể do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài trùng vào giai đoạn lúa mới sạ đến giai đoạn lúa đẻ nhánh. Từ đó tầng đất chứa yếu tố sinh phèn đã bị khô, nứt nẻ, tạo điều kiện cho độc chất phèn dẫn từ bên dưới lên trên tầng đất mặt và bị oxy hóa, dẫn đến hiện tượng xì phèn và gây thiệt hại. Mặt khác, hầu hết các ruộng bị thiệt hại đều có mặt bằng ruộng thấp hơn các ruộng trong cùng khu vực cho nên khi bơm nước vào độc chất phèn sẽ di chuyển tập trung xuống nơi thấp dẫn đến lúa bị chết.
Hiện, ngành nông nghiệp đang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tiến hành lấy mẫu đất, mẫu nước phân tích, đánh giá chỉ tiêu, hàm lượng, từ đó xác định các nguyên nhân và khuyến cáo các giải pháp khắc phục bền vững trong sản xuất.
Trước đó, trong vụ Hè Thu năm 2019, tại khu vực này từng xảy ra tình trạng tương tự, có trên 40 ha lúa giai đoạn 1 tháng tuổi thuộc khu sản xuất của Hợp tác xã Phước Tiền bị thiệt hại 100%.