Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn khẳng định, trong thời đại thông tin, việc cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch đến người mua và người tiêu dùng được coi là một công cụ hữu hiệu để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam.
Thông tin chưa rõ ràng
Trong nhiều năm qua, các sản phẩm như gạo, cà phê, thủy sản, hạt điều, hạt tiêu luôn đứng ở tốp đầu xuất khẩu các mặt hàng nông sản trên thế giới nhưng nông sản Việt Nam vẫn xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, giá thấp hơn giá nông sản cùng loại của các nước khác. Mặc dù, cho đến nay, Việt Nam có không ít nhà sản xuất uy tín, có chuỗi sản xuất và sản phẩm được chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận khắt khe nhất như: BAP, GAP, ASC, CS… nhưng, thông tin về sản phẩm cũng như về doanh nghiệp (DN) hầu như không được truyền tải đúng lúc, đúng kênh phân phối đến người tiêu dùng. Đặc biệt, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của nước ta chưa coi trọng việc cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch đến người mua.
Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc (Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Ông Lý Hoàng Hải, Phó Giám đốc dự án truy xuất nguồn gốc (Traceverified) cho biết, hiện, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và thủy sản của Việt Nam thực hiện việc truy xuất nguồn gốc theo phương thức còn lạc hậu, chủ yếu dựa vào hồ sơ lưu trữ nên người tiêu dùng khó có khả năng tiếp cận.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, về phía cơ quan quản lý, mặc dù đã ban hành những quy định khuyến khích cung cấp thông tin, thực hiện truy xuất nguồn gốc, nhưng không ít cơ quan nhà nước vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc chủ động đưa thông tin đến các thị trường tiêu thụ quốc tế bằng những công cụ và phương tiện hiện đại, đồng thời góp phần giảm thiểu thủ tục cho các doanh nghiệp.
Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, TS. Đặng Kim Sơn cũng cho rằng, trên thị trường, doanh nghiệp cần minh bạch về giá cả, chất lượng sản phẩm, môi trường, quản lý lao động, nguồn gốc xuất xứ… để có sự cạnh tranh công bằng. Bên cạnh đó, cũng cần phải đẩy mạnh việc thu thập thông tin thị trường, giá cả thế giới, học và làm quen với môi trường thông tin minh bạch hiệu quả.
Tổn hại lợi ích người tiêu dùng
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, việc các doanh nghiệp còn ngại ngần cung cấp thông tin có thể làm mất đi khả năng cạnh tranh. Điều này cũng dẫn đến tình trạng gian lận thương mại, làm tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng. Theo phương pháp truyền thống, việc truy xuất nguồn gốc được ghi chép bằng tay, lưu trữ bằng giấy tờ sổ sách. Các bộ hồ sơ truy xuất nguồn gốc được quản lý bằng mã số truy xuất nguồn gốc nội bộ của doanh nghiệp. Thông tin truy xuất được thực hiện thông qua việc tổng hợp giấy tờ, rủi ro cao và thiếu minh bạch. Còn với truy xuất nguồn gốc điện tử, thông tin được số hóa lưu trữ trên hệ thống mạng máy tính. Mã số truy xuất nguồn gốc cho từng lô hàng, theo các tiêu chuẩn quốc tế và duy nhất trên toàn cầu. Thông tin truy xuất nhanh, nhận thông tin thời gian thực.
Ông Lý Hoàng Hải cho biết thêm, áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đáp ứng một cách kịp thời và chính xác các yêu cầu của khách hàng nước ngoài về truy xuất nguồn gốc và thông tin về các chỉ tiêu chất lượng. Ông Hải cũng nhấn mạnh, nhờ sự đa dạng và tính linh hoạt có thể đáp ứng báo cáo cho nhiều loại hình sản phẩm khác nhau, việc áp dụng hệ thống TraceVerified sẽ cho phép mỗi lô hàng được dán 1 tem hoặc in trực tiếp lên bao bì những thông tin đã được mã hóa. Bên cạnh đó, các thông tin về sản phẩm sẽ được đưa lên mạng. Sau đó chỉ cần dùng một thiết bị như điện thoại hay thiết bị quét nhãn mã đó, người tiêu dùng sẽ nhận được toàn bộ thông tin về sản phẩm họ sắp mua, từ khâu sản xuất giống cho đến quá trình nuôi, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu. Hiện, TraceVerified đã được triển khai tại 12 doanh nghiệp trong nước. Dự án sẽ tư vấn và xây dựng miễn phí hệ thống này cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đến hết năm 2014, sau đó sẽ thu phí ở mức hợp lý vừa đủ để vận hành hệ thống.
Thúy Hiền