Thị trường sản phẩm OCOP bị thu hẹp
Hợp tác xã Nông nghiệp và chế biến chè Thanh Đức, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương là đơn vị chuyên trồng, chế biến, kinh doanh chè xanh. Hiện nay diện tích trồng chè của hợp tác xã là 8,53ha, cho sản lượng hàng năm khoảng 10 tấn thành phẩm đóng gói. Sản phẩm của hợp tác xã hoàn toàn được thu hái bằng tay theo tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá (hái chè búp non, không thu hái bằng cắt máy). Năm 2019, sản phẩm chè xanh Thanh Đức sản xuất theo quy trình VietGAP và được công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Với chất lượng tốt, giá cả hợp lý, nhất là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm chè xanh Thanh Đức ngày càng được nhiều người tiêu dùng tin tưởng. Đến nay, sản phẩm chè xanh của hợp tác xã cung cấp thường xuyên với số lượng lớn cho các siêu thị trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành trong cả nước. Đầu ra sản phẩm ổn định, hợp tác xã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.
Nhưng từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ sản phẩm thu hẹp, có thời điểm đóng băng khiến công suất hoạt động và doanh thu của hợp tác xã giảm sút.
Ông Đặng Duy Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và chế biến chè Thanh Đức chia sẻ, doanh thu của hợp tác xã đang giảm 50% do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiện sản phẩm chè xanh đang bị ứ đọng trong kho khoảng 4 tấn bởi không tiêu thụ được.
Trong khi hàng hóa không vận chuyển lưu thông được do các địa phương đang thực hiện giãn cách thì ngay trong tỉnh cũng bị hạn chế bởi các nhà hàng, khách sạn hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa; đồng thời, thị trường tự do cũng giảm đáng kể, vì vậy, các kế hoạch sản xuất phải tạm dừng một phần. Có thời điểm, hợp tác xã phải chuyển sang hái máy sản phẩm để cắt giảm nhân công lao động.
“Hiện chỉ mong dịch COVID-19 qua nhanh và các ban, ngành hỗ trợ về khâu tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Về phía hợp tác xã cũng đang nghiên cứu để chuyển hướng, chú trọng sản xuất sản phẩm đa dạng hơn, hướng đến chế biến tinh trong thời gian tới”, ông Đặng Duy Lâm nói.
Tương tự, từ năm 2018 đến nay, Hợp tác xã Nông nghiệp sen quê Bác được thành lập chế biến sen thành các loại sản phẩm trà lá sen, trà ướp bông sen, trà liên tu (nhụy sen), trà tâm sen cùng các sản phẩm từ sen khác. Để tạo sản phẩm phong phú đa dạng, chất lượng cao, hợp tác xã đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng mua thiết bị và đầu tư công nghệ chế biến, thiết kế bao bì mẫu mã cùng các hỗ trợ quảng bá thương hiệu khác.
Hiện, Hợp tác xã Nông nghiệp sen quê Bác đã có 7 sản phẩm OCOP; trong đó, 2 sản phẩm 4 sao và 5 sản phẩm đạt 3 sao. Sắp tới, hợp tác xã đang lên kế hoạch mở rộng diện tích sen nguyên liệu ở các huyện, thị khác để phục vụ người tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu.
Với những nỗ lực không ngừng đổi mới công nghệ, đẩy mạnh phát triển thị trường, doanh thu của hợp tác xã tăng trưởng đều qua các năm với tốc độ tăng trưởng từ 10-15%/năm; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động trực tiếp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngay từ năm 2020, khi dịch mới bùng phát, doanh thu của Hợp tác xã cũng bị sụt giảm gần 30%.
Để thích ứng, nắm bắt và tận dụng các xu hướng kinh doanh mới, hợp tác xã đã chuyển hướng chiến lược kinh doanh đẩy mạnh bán hàng online, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.
Anh Phan Kim Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sen quê Bác cho biết: “Trước kia, chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến kênh bán hàng trực tiếp. Nhưng từ khi dịch bệnh xảy ra, doanh thu sụt giảm buộc chúng tôi phải xoay chuyển tình thế, đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi mẫu mã bắt mắt và hướng đến sản phẩm làm quà tặng để phục vụ cho du lịch”.
Sự linh hoạt trong quản lý điều hành, chuyển hướng chiến lược kinh doanh trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã giúp doanh nghiệp giữ vững thị phần, từng bước mở rộng thị trường mới. Hiện ngoài việc đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, hợp tác xã tiếp tục tập trung nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khai thác kênh bán hàng online, tập trung vào website và fanpage, đầu tư quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Bảy tháng năm 2021, doanh thu của hợp tác xã tuy giảm nhẹ nhưng vẫn bảo đảm việc làm cho 100% công nhân, lao động.
Do dịch bệnh phức tạp, xe lưu thông ít hơn, hàng hóa gửi đi khó khăn bởi nhiều địa phương trong cả nước đang thực hiện lệnh cách ly hoặc phong tỏa, thời gian này nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề chỉ bán được cho khách nội tỉnh.
Tuy nhiên, với phương châm nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu những nhà phân phối lớn và người tiêu dùng, Công ty cổ phần Biển Quỳnh hiện cung cấp 10 sản phẩm thủy sản chế biến vào chuỗi siêu thị Big C trên cả nước và hệ thống trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An; trong đó, có sản phẩm chả cá trích đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 9 sản phẩm khác như tôm bóc nõn, bề bề bóc nõn, điệp bóc nõn, bạch tuộc, mực nang và các loại cá tươi, cá 1 nắng.... đạt 3 sao.
“Để giải quyết khó khăn trong khâu tiêu thụ và duy trì việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động, chúng tôi đã đầu tư cho khâu bảo quản sản phẩm, nhất là tận dụng các kho đông lạnh bảo quản hải sản để trữ hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi có lợi thế là mặt hàng thiết yếu, lại là đối tác của các siêu thị lớn như BigC nên hàng hóa được lưu thông dễ dàng và cung cấp cho các siêu thị, nhà phân phối khi các chợ tạm bị đóng cửa do giãn cách. Bởi vậy, trong thời điểm dịch bệnh nhưng doanh số của công ty vẫn tăng hơn 80%, mỗi tháng 2 tỷ đồng nguồn hàng cung ứng ra thị trường”, anh Hồ Mạnh Hoàn, Giám đốc Công ty cổ phần Biển Quỳnh cho biết.
Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch
Nghệ An là tỉnh đặc thù ngành nông nghiệp với nhiều sản phẩm trọng điểm có tính chất mùa vụ, dễ gặp khó khăn tiêu thụ thời điểm vào mùa vụ thu hoạch khi phải đối mặt với khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát. Trước tình hình đó, tỉnh đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh sản xuất, phương thức kinh doanh để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm phòng tránh dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tỉnh theo dõi, bám sát tình hình giá cả, lưu thông hàng hóa, kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp, kế hoạch để vừa đẩy mạnh sản phẩm bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong nước, vừa thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu cả ở thị trường truyền thống và cả thị trường mới, nhiều tiềm năng; trong đó, đặc biệt quan tâm việc xuất khẩu, lưu thông hàng hóa nông sản.
Để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, tỉnh đã giúp các chủ thể có sản phẩm xây dựng các điểm bán hàng, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ; truy xuất nguồn gốc QR, mã vạch…
Bên cạnh đó kết nối, giao thương các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online… để người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh Nghệ An.
“Trong thời gian tới tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng và phát triển sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo, kết nối thị trường để định hướng sản xuất và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại liên kết thị trường đầu ra cho sản phẩm”, ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An khẳng định.