Trong năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh đạt 32 tỷ USD, đóng góp tỷ trọng cao nhất vào thành tích xuất khẩu chung của cả nước và thu hút nhiều nguồn vốn FDI là 3,2 tỷ USD, đúng thứ 2 của cả nước (sau Thái Nguyên), tăng 91,6% so với năm 2013.
Xuất nhập khẩu tăng trưởng bền vững
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm qua, mặc dù kinh tế thế giới đã có những chuyển biến tích cực sau ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn, gây bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Tuy nhiên, với sự hoạt động và hỗ trợ tích cực của ITPC cùng các chính sách linh hoạt, tháo gỡ khó khăn của UBND Thành phố, nhờ vậy DN đã nắm bắt cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường trọng điểm và tiềm năng trên thế giới.
Hoạt động xúc tiến thương mại của TP Hồ Chí Minh trong năm 2014 |
Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh có sự tham gia tích cực của các căn phòng đại diện thương nhân nước ngoài đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Đến nay, TP Hồ Chí Minh vẫn là địa bàn có số lượng văn phòng đại diện lớn nhất nước, các hoạt động xuất nhập khẩu giữa thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài văn phòng đại diện tại TP đã góp phần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của cả nước. Những văn phòng đại diện hoạt động có hiệu quả tại TP gồm: Hồng Công (Trung Quốc), Singapore, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc…
Có thể thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các DN qua cảng TP năm qua ước đạt 25,44 tỷ USD, giảm 2,2% so với năm 2013. Theo lý giải của Phòng kế hoạch - đầu tư Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, kim ngạch xuất khẩu đạt cao hơn nhập khẩu và cao hơn cùng kỳ, thể hiện rõ xu hướng phục hồi tích cực. Những mặt hàng chủ lực có quy mô xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, máy móc thiết bị phụ tùng, có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành đã đóng góp vào bức tranh tăng trưởng chung trong năm 2014.
Ngoài ra, chất lượng xuất khẩu tiếp tục được nâng lên và phát triển theo hướng bền vững thể hiện ở nhiều lĩnh vực. Đơn cử, những năm trước mức tăng kim ngạch xuất khẩu thường do DN FDI thì nay, DN trong nước đã có sự tăng trưởng khá, tăng 11,5%. Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu chuyển biến tích cực nhóm hàng công nghệ, chế biến, chế tạo chiếm mức cao 67,5%; thị trường xuất nhập khẩu phát triển phu hợp, theo hướng đa dạng, hạn chế tình trạng lệ thuộc vào một thị trường, xuất khẩu tăng mạnh ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản…
Mở thêm nhiều thị trường mới
Năm 2015, bước sang giai đoạn chuyển đổi mới, Việt Nam sẽ gia nhập vào các Hiệp định thương mại tư do. Đây cũng là cơ hội cho các DN hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới nhằm tăng cường lợi ích cũng như mở rộng quan hệ hợp tác đa chiều trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo đó, ITPC sẽ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động xuất khẩu, nâng cao năng lực xuất khẩu cho DN, đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh.
Năm 2015 mở rộng xúc tiến thương mại nhiều thị trường mới |
Bà Phó Nam Phương, Giám đốc ITCP cho biết, tận dụng các lợi thế kinh tế của các thị trường trọng điểm từ khối ASEAN như Campuchia, Myamar, Lào; thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, ITPC tiếp tục mở rộng các thị trường có tiềm năng khác như Indonesia, Ấn Độ, Philipines, Hàn Quốc, Đông Âu và tìm kiếm các thị trường mới như các quốc gia thuộc khu vực Châu Phi - Tây Á - Nam Á, Mỹ Latinh với các ngành hàng có lợi thế như: lương thực - thực phẩm; dệt may, da giày; thủ công mỹ nghệ; sản phẩm gia dụng; các ngành dịch vụ.
Đối với các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, hỗ trợ DN chủ động tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh cung cấp thôn tin cần thiết nhằm đưa hàng Việt hiện diện sâu rộng tại thị trường nội địa, mở ra cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận và thiết lập chỗ đứng lâu dài, góp phần bình ổn sản xuất và phát triển thương mại bền vững….
Bài ảnh: Hải Yên