Ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng, Mobile Money là cánh tay nối dài của ngân hàng, tạo điều kiện cho đối tượng vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Sau 6 tháng triển khai thí điểm, VNPT đã có hơn nửa triệu tài khoản Mobile Money được mở với 2.400 điểm nạp tiền, 2.100 điểm chấp nhận thanh toán dịch vụ; trong đó, chủ yếu là dịch vụ thiết yếu như: điện, nước, dịch vụ công, học phí…
Theo ông Ngô Diên Hy, VNPT hiện nay đã phần nào đạt được kỳ vọng ban đầu khi triển khai dịch vụ Mobile Money, đặc biệt là việc tiếp cận khách hàng ở phân khúc mới.
Song qua 6 tháng triển khai thí điểm dịch vụ này cho thấy một số vấn đề cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế như hạn mức thanh toán, hiện có khoảng 40-50% khách hàng tiếp cận dịch vụ Mobile Money là ở đô thị nên hạn mức 10 triệu đồng/tháng để một hộ gia đình thanh toán các dịch vụ điện, nước… là quá thấp. Do đó, ông Ngô Diên Hy đề xuất nâng hạn mức thanh toán cho tài khoản Mobile Money.
Đại diện VNPT cũng cho rằng hiện nay đang tiến tới liên thông toàn bộ tài khoản ngân hàng với tài khoản Mobile Money nhưg tài khoản Mobile Money của các nhà mạng lại chưa được liên thông với nhau.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, nhiều khả năng trong quý III/2022, NAPAS sẽ thực hiện xong việc kết nối liên thông giữa tài khoản ngân hàng và tài khoản Mobile Money với nhà mạng đầu tiên.
Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận các doanh nghiệp viễn thông triển khai dịch vụ đang gặp phải một số khó khăn do dịch vụ Mobile Money là dịch vụ mới, trong giai đoạn đầu thí điểm cần phải tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng để tuyên truyền, quảng bá lợi ích của dịch vụ nhằm thu hút, tạo thói quen cho khách hàng.
Trong thời gian tới, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh Toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Công an theo dõi, bám sát, đánh giá tình hình triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money; đồng thời hướng dẫn, giải đáp vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dịch vụ Mobile Money của doanh nghiệp thí điểm.
Bên cạnh đó, các các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cũng cần tiếp tục triển khai các hình thức, biện pháp tuyên truyền, thuyết phục các điểm kinh doanh kết hợp với khích lệ kinh tế giai đoạn đầu triển khai dịch vụ cho thấy những lợi ích phi tài chính như tăng lượng khách hàng đến điểm kinh doanh, có thêm nguồn thu từ phí hoa hồng khi có tập khách hàng quen thuộc; đảm bảo tuân thủ đầy đủ các nội dung liên quan quy định về mục tiêu, phạm vi thực hiện thí điểm, nội dung thí điểm, tổ chức thực hiện, các hành vi bị cấm theo quy định.
Ông Lê Anh Dũng cho biết thêm, Mobile Money sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, cộng hưởng và bổ trợ cho các dịch vụ ngân hàng hiện có, tạo nên hệ sinh thái thanh toán năng động, bao trùm để phục vụ người dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là đơn vị đầu mối được giao nghiên cứu, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ phê duyệt triển khai thí điểm (Mobile Money).
Tháng 11/2021, trên cơ sở đánh giá của 3 Bộ là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước về hồ sơ của 3 doanh nghiệp viễn thông đáp ứng các quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money cho 3 doanh nghiệp là Tổng Công ty Truyền thông - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel).